Thất vọng Tràm Chim: Vẫn còn hy vọng

ThienNhien.Net – Nếu dũng cảm lấp lại các con kinh, hoàn trả các đê bao mới đào đắp; thiết lập đai bảo vệ khác; thay phương tiện đi lại, du lịch bằng cộ trâu như cha ông mình thì chỉ mấy năm, ĐTM xưa lại trở về với Tràm Chim.

Tràm Chim nhìn từ đài quan sát số 3: Đỉnh điểm mùa khô và nước vẫn lình bình, thảm thực vật xanh tươi (Ảnh: nongnghiep.vn)
Tràm Chim nhìn từ đài quan sát số 3: Đỉnh điểm mùa khô và nước vẫn lình bình, thảm thực vật xanh tươi (Ảnh: nongnghiep.vn)

Nguyên nhân

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến làm biến dạng hệ sinh thái VQG Tràm Chim là đã bị ngọt hóa. Các kỹ thuật rửa phèn, xổ phèn, ém phèn từng làm nên kỳ tích là biến vùng đất chết ĐTM thành cánh đồng lúa 3 vụ cũng được áp dụng triệt để cho vườn. VQG Tràm Chim có diện tích 7.313 ha, phần lớn diện tích được giới hạn bởi các kinh sẵn có trước đây là Đồng Tiến, Phú Hiệp, An Hòa, Phú Thành.

Phía trong các kinh cũ ấy, VQG Tràm Chim còn đào hệ thống kinh mới có tổng chiều dài gần 60 km, mỗi con kinh rộng 30-40 m, sâu 4m, hoành tráng như con sông đào. Đất đào kinh được đổ lên phía ngoài làm thành con đê giao thông có thể tráng nhựa. Vậy là VGQ Tràm Chim trở thành cứ điểm quân sự khổng lồ, có thành cao hào sâu bao quanh, mùa mưa nước không thể ngập, mùa khô nước không thể cạn.

Chưa hết, Tràm Chim còn bị chia ra làm nhiều mảnh, kinh Mười Nhẹ xiên thẳng từ phía kinh Phú Hiệp sang phía kinh Đồng Tiến, một con kinh khác từ kinh Mười Nhẹ, uốn lượn lên kinh An Hòa. Vậy là cả cánh đồng rộng hơn 7.000 ha, xưa nay chỉ có lung, bàu, trấp và ngoằn ngoèo mấy con đường cộ trâu nay đã có hệ thống giao thông thủy bộ phát triển.

Tại sao lại có phèn? ĐTM từng có phèn từ thủa tạo sơn lập địa nhưng vẫn nằm im trong đất. Mùa khô, nước rút xuống, phèn theo các mao quản lên trên phản ứng với o xy thành chất o xít sắt, o xít nhôm làm nên nước bưng màu đỏ, nước kinh trong xanh, cỏ cây khô cháy. Mùa mưa, nước ngập lan tràn, phèn bị rửa trôi và sự sống lại trở lại xanh tươi.

VQG Tràm Chim không bị khô hạn thì chắc chắn không có phèn, không có phèn thì diện tích đồng năn sẽ bị thu hẹp dần. Tràm, gáo, trâm bầu… và những cây khác sẽ không còn bị còi cọc mà trở nên lực lưỡng, đông đúc.

Không có khô hạn, không có phèn thì năn kim không có củ. Năn kim không củ thì sếu không về và diện tích sẽ suy giảm nghiêm trọng bởi lấy gì làm giống cho vụ sau.

Cháy, một phần của Đồng Tháp Mười

Tại sao nhà nước lại bỏ ra rất nhiều tiền của để đào kinh ngọt hóa cho VQG Tràm Chim? Câu trả lời là để chống cháy. Trong nhiều năm qua, VQG Tràm Chim không những là một mục tiêu quan trọng của cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Tháp, mà còn là địa chỉ sẵn sàng tiếp ứng của bộ đội tỉnh, riêng mùa khô năm 2014, Tỉnh đội Đồng Tháp còn tăng cường cho VQG Tràm Chim 100 chiến sĩ chuyên làm công tác tuần tra, bảo vệ PCCC.

“Nhất thủy, nhì hỏa”, sức hủy diệt của lửa thật khủng khiếp.

Tuy nhiên, nếu trầm tĩnh có cái nhìn thấu đáo hơn thì sẽ thấy cháy là một phần của Đồng Tháp Mười.

Sẽ đặt nghi vấn – Trước đây ĐTM hoang vu, “cỏ mọc thành tinh” thì không thể không có những vụ cháy nhưng tại sao trong văn thơ, trong dân gian không hề ghi nhận vụ cháy nào. Nếu có cháy lớn, gây thiệt hại lớn thì sẽ không còn rùa, rắn, sấu… như các chuyện kể dân gian. Bởi vậy có thể nhận định rằng, cháy ở ĐTM, nếu có cũng chỉ là cháy cục bộ trong phạm vi nhỏ.

Nhận định trên phù hợp với địa hình, địa mạo ĐTM. Tuy gọi là bằng phẳng nhưng ĐTM vẫn có nhiều bưng, bàu, lung, trấp nên không có chuyện cả ĐTM khô cong lên cùng lúc. Chính mức độ nước nông sâu, mức độ nhiễm phèn nặng, nhẹ khác nhau mà có những sinh cảnh khác nhau chia tách ĐTM thành những phân khu, thửa nhỏ.

Mặt khác, dù có nhiều loài thực vật, nhưng quần thể năn lác chiếm ưu thế. Với năn lác thì hàm lượng hữu cơ (các bon) lại thấp nên đám cháy trên năn lác không thể là đám cháy lớn.

Từ ngày thành lập đến nay, VQG Tràm Chim đã từng xảy ra nhiều vụ cháy, nhưng cháy lớn phải kể đến năm 2008 và năm 2010. Năm 2008, cháy 500 ha đồng cỏ, 20 ha tràm, năm 2010 cháy 200 ha đồng cỏ và tràm. Ngoài ra còn hàng chục vụ cháy nhỏ khác. Qua các vụ cháy, không thấy ghi nhận thiệt hại cho hệ sinh thái mà chỉ ghi nhận thiệt hại một diện tích nhỏ rừng tràm. Cũng cần nói rõ hơn, trong điều kiện tự nhiên ĐTM thì sẽ không có rừng tràm mà 100% cái gọi là rừng tràm ở ĐTM là rừng trồng. Tràm ở VQG Tràm Chim cũng vậy, tự nhiên chỉ là những bụi tràm lúp xúp, còn tràm bị cháy là tràm được trồng từ năm 1985, khi mà VQG Tràm Chim còn là Cty Nông lâm ngư trường Tràm Chim.

Vì chỉ mọc phân tán nên tràm tự nhiên ở ĐTM không thể cháy lớn và thực tế thấy nếu có bị cháy thì tràm vẫn không chết.

Vẫn biết rằng sinh thái học là một ngành khó vì đấy là ngành học xuyên suốt hàng chục năm, hàng trăm năm của nhiều thế hệ nghiên cứu nối tiếp nhau. VN chưa có sự hiểu biết sâu sắc về sinh thái học, nhất là sinh thái học trên vùng đất nhiễm phèn ĐTM, cánh đồng hiếm có trên thế giới. Tuy nhiên nếu muốn bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái vùng ĐTM như Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững VQG Tràm Chim đến năm 2020 đã được phê duyệt thì không cách nào khác là phải trả lại phèn, trả lại “Mùa nắng đồng khô cỏ cháy, mùa mưa nước ngập lan tràn” như câu thơ của Nguyễn Bính viết năm 1939 về ĐTM. Cái quý nhất, cái độc đáo của VQG Tràm Chim mà con cháu cần đến và hấp dẫn bạn bè quốc tế là hệ sinh thái vùng ĐTM chứ không phải là vùng đất ngập nước, 4 mùa xanh ngắt và mát rượi.

Trả lại nguyên trạng ĐTM xưa cho VQG Tràm Chim bằng cách nào? Dễ thôi, vì phèn trong đất vẫn còn đấy, nếu dũng cảm lấp lại các con kinh, hoàn trả các đê bao mới đào đắp; thiết lập đai bảo vệ khác; thay phương tiện đi lại, du lịch bằng cộ trâu như cha ông mình thì chỉ mấy năm, ĐTM xưa lại trở về với Tràm Chim.