Tây Nguyên: Xử lý nhiều vấn đề cấp bách về kinh tế- xã hội

ThienNhien.Net – Công tác đền bù, giải tỏa và hỗ trợ tái định cự thủy điện, quản lý bảo vệ rừng, xây dựng nông thôn mới, phát triển giao thông, là những vấn để nổi cộm về kinh tế-xã hội của Tây Nguyên được tập trung xử lý trong thời gian qua.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, với những vấn đề tồn đọng liên quan đến thủy điện, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các tỉnh đã cố gắng tập trung giải quyết, như: Hỗ trợ 158 tỷ đồng cho tái định cư, sản xuất, y tế, giáo dục tại thủy điện Thượng Kon Tum; hỗ trợ 181 tỷ đồng thực hiện tái định cư và ổn định đời sống người dân tại thủy điện Đắk Đrinh; tại thủy điện An Khê-Ka Nak đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ 126 hộ dân bị ảnh hưởng với diện tích 167 ha đất.

Tại một số dự án thủy điện khác như Đồng Nai 3, Sêrêpôk 4A… công tác đền bù, hỗ trợ sản xuất, đời sống của nhân dân được Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các tỉnh chỉ đạo quyết liệt và đến thời điểm này giảm được một phần bức xúc, kiến nghị kéo dài.

Nhiều hộ nghèo ở Tây Nguyên được tiếp cận nguyên vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất (Ảnh: Chinhphu.vn)
Nhiều hộ nghèo ở Tây Nguyên được tiếp cận nguyên vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất (Ảnh: Chinhphu.vn)

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các tỉnh chú trọng thực hiện và thu được nhiều kết quả, góp phần làm chuyển biến đời sống kinh tế-xã hội vùng nông thôn. Đến nay, toàn vùng có 593/597 xã đã lập và phê duyệt đề án nông thôn mới. Trong đó, 15 xã đạt 19 tiêu chí, 22 xã đạt từ 14-18 tiêu chí, 119 xã đạt 9-13 tiêu chí; xây dựng được trên 1.000 mô hình sản xuất có hiệu quả.

Ngoài ra, các chính sách dân tộc và công tác đảm bảo an sinh xã hội được các cấp ngành chủ động thực hiện. Trọng tâm là hỗ trợ trực tiếp và tạo điều kiện cho 31.000 hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Nhiều tỉnh tích cực đầu tư, phát triển buôn, làng vùng dân tộc thiểu số, nhất là tỉnh Đắk Nông. Công tác giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được quan tâm. Các nguồn lực y tế được quan tâm đầu tư, gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng khu vực Tây Nguyên vẫn còn nhiều vấn đề đáng lưu ý, như: Tình hình giao thông ở hầu hết các tỉnh chậm cải thiện, tình trạng phá rừng, vi phạm lâm luật, chống người thi hành công vụ còn diễn biến phức tạp, có lúc nghiêm trọng; việc xử lý tồn động tại một số dự án thủy điện còn nhiều vướng mắc, nhất là việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa, công tác đền bù, tái định cư…

Bên cạnh đó, hiện toàn vùng còn 31.800 hộ dân thiếu đất sản xuất, nhiều người dân thiếu việc làm, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng làm rẫy, chiếm đất phân lô tại các vườn cao su xảy ra gần đây ở một số địa phương, gây phức tạp về an ninh nông thôn.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết 6 tháng cuối năm 2014, tập trung chỉ đạo triển khai có kết quả quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020; Hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các dự án hạ tầng giao thông như Quốc lộ 14, đường Trường Sơn Đông, chuẩn bị điều kiện khởi công Dự án nâng cấp đường cất cánh, đường lăn, sân đỗ Cảng hàng không Pleiku…

Tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường phát triển hệ thống y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng sâu, vùng khó khăn; đôn đốc thực hiện đề án giảm nghèo bền vững 2013-2017, gắn với phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với các địa phương tổ chức tốt năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên-Đà Lạt 2014.