Bắt quả tang nhóm lâm tặc tại Khu BTTN Tà Đùng

ThienNhien.Net – Ngày 4/7, lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tà Đùng, huyện Đác Glong, tỉnh Đác Nông đã bàn giao đối tượng Nguyên Sỹ Đạt, SN 1986, cho Công an huyện Đác Glong để điều tra, làm rõ về hành vi phá rừng.

Rừng tự nhiên hàng trăm năm tuổi tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, huyện Đác Glong, tỉnh Đác Nông (Ảnh: Nhân Dân)
Rừng tự nhiên hàng trăm năm tuổi tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, huyện Đác Glong, tỉnh Đác Nông (Ảnh: Nhân Dân)

Trước đó, trong khi tuần tra lực lượng kiểm lâm Trạm kiểm lâm số 3 thuộc Hạt Kiểm lâm KBTTN Tà Đùng, đã phát hiện tại Lô 1, Khoảnh 6, Tiểu khu 1808 thuộc KBTTN Tà Đùng đối tượng Nguyên Sỹ Đạt cùng một số lâm tặc trú tại thôn Băng Pá, xã Đa K’Rang, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đang dùng cưa máy để xẻ gỗ.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện ba cây gỗ Xá xị thuộc nhóm 2A quý hiếm và một cây gỗ dổi thuộc nhóm 3 đường kính từ 0,8-1 mét đã bị cưa đổ, khối lượng gỗ bị phá trái phép lên đến 18m3. Đây là vụ khai thác gỗ trái phép lớn nhất tại KBTTN Tà Đùng bị bắt quả tang trong thời gian gần đây.

Sự việc đang được các cơ quan có chức năng của tỉnh Đác Nông và huyện Đác Glong tiếp tục điều tra làm rõ.

Tà Đùng là KBTTN lớn nhất tỉnh Đác Nông với diện tích 28.000 ha, nằm trên địa bàn xã Đác Plao và xã Đác Som, huyện Đác Glong và thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai. KBTTN này hiện có trên 1.000 loài động thực vật, là khu vực có sự đa dạng sinh học rất lớn; trong đó, nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, Tà Đùng là một trong bốn vùng chim đặc hữu, chứa tới 1/8 số loài chim của Việt Nam và là một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới.

Thời gian qua, tình trạng phá rừng lấy gỗ trong các Khu Bảo tồn thiên nhiên tại Đác Nông diễn ra phức tạp, một lượng lớn gỗ quý hiếm đã bị lâm tặc cưa xẻ và đưa đi. Các cơ quan có chức năng của Đác Nông đã có nhiều biện pháp mạnh tay ngăn chặn, nhiều cán bộ, kiểm lâm đã bị kỷ luật vì để mất rừng. Tuy nhiên, hoạt động phá rừng tại các Khu Bảo tồn thiên nhiên vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn triệt để.