Vùng Đồng bằng sông Hồng ứng phó với BĐKH: Khoảng trống và giải pháp ưu tiên – Bài cuối

Lỗ hổng cần lấp đầy

ThienNhien.Net – Nếu mỗi địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đều hoàn thành các mục tiêu và hình thành mạng lưới liên kết rộng lớn, chặt chẽ hỗ trợ nhau cùng ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) thì sẽ ngăn ngừa được những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tới sinh kế của người dân là nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia nông nghiệp, môi trường tại diễn đàn “ĐBSH trước ảnh hưởng của BĐKH: Mức độ dễ bị tổn thương và các giải pháp ứng phó với BĐKH” vừa diễn ra tại tỉnh Nam Định.

Bộc lộ khoảng trống

Từ năm 2008 và đặc biệt sau khi Chiến lược quốc gia ứng phó với BĐKH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, các bộ, ngành liên quan và địa phương vùng ĐBSH đã triển khai những biện pháp bảo vệ đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực. Theo đó, nhiều chương trình, dự án như giảm phát thải khí nhà kính, đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, xây dựng hệ thống chống ngập, chống nước biển dâng… Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều trở ngại như: Nhận thức của địa phương về BĐKH yếu kém; thiếu quy hoạch quản lý, phân bổ nguồn tài nguyên nước; chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào về mô hình thích nghi ứng phó về BĐKH vùng ĐBSH; nguồn lực tài chính đầu tư cho các chương trình, dự án thích nghi, ứng phó hạn chế…

Trồng rừng ngập mặn là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (Ảnh: Hà Nội Mới)
Trồng rừng ngập mặn là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (Ảnh: Hà Nội Mới)

Ông Dương Văn Giảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đã phê duyệt danh mục 18 chương trình, dự án ưu tiên nhằm tăng cường khả năng phòng chống và ứng phó với BĐKH nhưng các dự án này vẫn đang nằm trên “giấy”, hoặc triển khai rất ì ạch do thiếu vốn. Tại tỉnh Ninh Bình, từ năm 2001 đến nay, hạn hán ở các huyện miền núi và xâm nhập mặn ở Kim Sơn ngày càng nghiêm trọng. Cách đây vài năm, tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó đề xuất dự án ưu tiên đầu tư, tuy nhiên kết quả triển khai vẫn là “ba chưa”: Chưa có đề án, dự án nào được triển khai; chưa xây dựng được đội ngũ tuyên truyền viên về BĐKH; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về vùng biển…

Theo ông Phạm Xuân Thịnh, Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), không cần phải chờ đợi đến những thập niên tiếp theo, ngay lúc này, những tác động tiêu cực mang tính trực diện của BĐKH đã khiến nhiều địa phương vùng ĐBSH phải đau đầu giải bài toán ứng phó. Còn TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện Khí tượng, thủy văn và môi trường Việt Nam cho rằng, với sự gia tăng phát thải, của dân số, chúng ta không có cách nào để chặn sự ấm lên của toàn cầu và sự nóng lên của vùng ĐBSH, mà chỉ còn cách thích ứng và làm giảm nhẹ sự tác động của BĐKH. Để chủ động ứng phó, cần phải tiến hành đồng thời các giải pháp để lấp khoảng trống này. Theo TS Nguyễn Văn Hiệp phải coi giảm nhẹ khí nhà kính là cơ hội để phát triển kinh tế, xã hội bằng việc tiết kiệm năng lượng, tăng cường khai thác nguồn năng lượng mới… Còn ông Phạm Xuân Thịnh cho rằng, phải tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với BĐKH…

Liên kết để ứng phó

PGS, TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT): Việc liên kết của các địa phương vùng ĐBSH để ứng phó với BĐKH là một tất yếu. Liên kết ở đây không dừng ở giữa các tỉnh, thành phố mà còn liên kết giữa các vùng khác nhau, rộng hơn là quốc gia. Chẳng hạn cơn bão Haiyan năm 2013, yếu tố liên kết địa phương không nhiều mà phải liên kết với các khu vực, quốc gia với nhau. Tôi cho rằng, điều quan trọng đầu tiên trong liên kết là việc các địa phương chia sẻ thông tin, tiếp đến là hệ thống hạ tầng liên quan đến BĐKH, dự án, kinh nghiệm…

Các đánh giá bước đầu cho thấy, để giảm thiểu tác động của BĐKH đối với vùng ĐBSH, cần phải giải quyết ở cả 3 cấp độ (cộng đồng, chính sách và năng lực thể chế), trong đó quan trọng nhất là xây dựng năng lực thể chế. Ở một khía cạnh khác, tác động của BĐKH đã mở ra các cơ hội để thúc đẩy hợp tác toàn cầu, đa phương và song phương, qua đó các địa phương có thể tiếp nhận hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển. Đồng thời, ứng phó với BĐKH trong nông nghiệp, nông thôn cũng là phương cách để bảo đảm an ninh lương thực, ổn định kinh tế – xã hội, được nhiều tổ chức và đối tác quốc tế quan tâm, tích cực hợp tác. Song, thách thức lớn nhất ở đây là vấn đề chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan. Ông Nguyễn Văn Học, chuyên gia Văn phòng Winrock International tại Việt Nam cho biết, tài nguyên nước lưu vực ĐBSH khá dồi dào nhưng chưa có quy hoạch nên được chia sẻ bởi nhiều ngành, vì vậy mới có chuyện “cha chung không ai khóc”, việc ai người nấy làm.

Nhấn mạnh tính liên kết vùng nhưng các chuyên gia cũng cho rằng sự liên kết này phải được xây dựng trên cơ sở thực tiễn của từng địa phương mới đưa ra được cách tiếp cận, khoa học, đúng đắn nhất…

Theo Giám đốc USAID tại Việt Nam Joakim Parker, ĐBSH có vị thế là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Bắc bộ cho nên việc phân tích và giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu có ý nghĩa quan trọng, tác động tới sự thịnh vượng của một vùng dân cư rộng lớn của khu vực này. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, Bộ đã có một chương trình hành động cũng như quy hoạch để thích ứng với BĐKH của cả nước, trong đó có ĐBSH. Trên cơ sở đó xác định những tác động chủ yếu để tập trung giải quyết như vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là ở những vùng nhạy cảm, chịu tác động sâu sắc của BĐKH để ưu tiên triển khai.