Thả nổi khai thác khoáng sản

ThienNhien.Net – Khai thác khoáng sản phải thông qua hình thức đấu giá theo Nghị định 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, việc triển khai nghị định này ở khu vực Tây Nguyên vẫn còn nhiều vướng mắc, gây khó cho địa phương và doanh nghiệp (DN).

Một xưởng khai thác bô-xít ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Thái Bằng/Sài Gòn Giải Phóng)
Một xưởng khai thác bô-xít ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Thái Bằng/Sài Gòn Giải Phóng)

Thất thoát tài nguyên

Nhiều năm qua, các tỉnh khu vực Tây Nguyên liên tục bị thất thoát các nguồn khoáng sản như vàng sa khoáng, cát… do tình trạng khai thác “lậu”. Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Gia Lai phát hiện một vụ khai thác và vận chuyển cát trái phép với quy mô lớn tại khu vực suối Đăk Tờ Ve thuộc địa bàn làng Kon Sa Lăng, xã Hà Tây, huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai).

Tại hiện trường, “cát tặc” đã dùng máy múc cát ở đoạn suối dài khoảng 200m. Việc hút cát trái phép này nếu không ngăn chặn kịp thời thì trong tương lai không xa sẽ làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến tình trạng sạt lở vùng đất dọc bờ suối, mất đất sản xuất của người dân.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên việc khai thác cát trái phép diễn ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ngoài con suối Đăk Tơ Ve, nhiều năm qua dòng sông Ba chảy qua các huyện Mang Yang, Phú Thiện, thị xã Ayun Pa… liên tục bị băm vằm. Mặc dù báo chí liên tục phản ánh và cơ quan chức năng có vào cuộc, thế nhưng kết quả chỉ là số không. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thời điểm này, gần như 100% các cơ sở khai thác cát trên địa bàn tỉnh đều khai thác trái phép.

Chủ một DN xây dựng tại tỉnh Gia Lai cho biết: “Trước đây, DN của tôi được cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cấp phép khai thác tại 2 mỏ cát tại địa phương. Mỗi lần cấp phép được 6 tháng, sau đó phải làm thủ tục cấp lại. Tại mỗi mỏ cát này, chúng tôi đã đầu tư gần 3 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị và giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, từ cuối năm 2011 đến nay, không hiểu tại sao địa phương không cấp phép trở lại. Việc này đã gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN chúng tôi”.

Không được cấp phép khai thác nên DN phải khai thác cát lậu trước sự “làm ngơ” của chính quyền địa phương.

Ở tỉnh Kon Tum cũng tương tự. Sở TN-MT tỉnh Kon Tum cho rằng, do việc khai thác cát đã cấm nhiều năm qua, nên trên địa bàn khan hiếm nguồn nguyên liệu này, trong khi đó, nhu cầu cát xây dựng không ngừng tăng lên. Có cung ắt hẳn có cầu, vì lợi ích trước mắt, nhiều người đã bất chấp, ngang nhiên khai thác cát “lậu”. Ngoài cát, nạn khai thác trái phép vàng sa khoáng, sỏi, đá… đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và “chảy máu” một lượng lớn tài nguyên của đất nước.

Chờ thông tư hướng dẫn

Ông Lương Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Gia Lai, cho biết, nguyên nhân khiến “cát tặc” nở rộ chủ yếu do vướng thủ tục hành chính. Bởi vì, từ khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực đến nay, Bộ Tài chính và Bộ TN-MT vẫn chưa có được quy định cụ thể việc xác định giá khởi điểm và cách tính giá sàn các bước nhảy giá trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nên việc cấp phép khai thác khoáng sản nói chung và cát xây dựng nói riêng tại địa phương không thể thực hiện được.

“Trong gần 3 năm qua, không có một mỏ cát nào được phép hoạt động theo đúng quy định. Tất cả các mỏ cát mà dân đang làm là khai thác “chui”. Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, thế nhưng cũng rất khó”, ông Bình chia sẻ.

Ông Lương Thanh Bình cho biết thêm, thực hiện Nghị định 22/2012/NĐ-CP ban hành ngày 26-3-2012 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngày 1-11-2012, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt danh mục đấu giá khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2012 – 2015. Theo đó, có 90 khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trong đó cát xây dựng là 36 khu vực. Tuy nhiên, đến nay, việc đấu giá vẫn chưa được thực hiện do thiếu thông tư hướng dẫn thi hành.

Thực trạng trên cũng là vấn đề nan giải đối với ngành chức năng tỉnh Kon Tum. Mặc dù UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản đưa vào đấu giá khai thác khoáng sản trên sông Đăk Bla nhưng chưa thực hiện được bởi thiếu thông tư hướng dẫn.

Bất cập trong việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên, khiến ngân sách Nhà nước thất thu (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)
Bất cập trong việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên, khiến ngân sách Nhà nước thất thu (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)

Như vậy, sự thật dẫn đến nạn khai thác khoáng sản trái phép tràn lan từ trước đến nay trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum không phải do các đối tượng khai thác “lậu” hoạt động tinh vi, khó kiểm soát mà là sự chậm trễ ban hành các quy định liên quan và nhiều vướng mắc trong việc triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Vì lẽ đó, nhiều năm qua, ngân sách địa phương đã thất thu con số không nhỏ, còn các điểm khai thác “lậu” vẫn tồn tại và tiếp tục nở rộ.