An Giang xử lý chín bãi rác gây ô nhiễm nghiêm trọng

ThienNhien.Net – Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã triển khai kế hoạch xử lý cấp bách chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là chín bãi rác thuộc Danh mục các khu, điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để theo quyết định của Chính phủ.

Theo kế hoạch, tỉnh An Giang đầu tư xây dựng giai đoạn 1 các khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành; khu xử lý chất thải rắn Phú Thạnh tại xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân; khu xử lý rác tại Kênh 10, thành phố Châu Đốc; khu xử lý chất thải rắn xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú; khu xử lý chất thải rắn xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn; khu xử lý chất thải rắn xã Lê Trì, huyện Tri Tôn; khu xử lý chất thải rắn thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới.

Đồng thời với việc thực hiện xây dựng các khu xử lý rác quy mô nhỏ cấp xã/cụm xã, kết hợp với việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn, tỉnh sẽ nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển chất thải rắn, và đầu tư xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn y tế.

Ảnh minh họa: Hoàng Lâm/TTXVN
Ảnh minh họa: Hoàng Lâm/TTXVN

Đến nay, các địa phương đã thực hiện đóng lấp, xử lý dứt điểm các bãi rác nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh như bãi rác thành phố Long Xuyên, tại phường Bình Đức, Long Xuyên; bãi rác Kênh T4, thành phố Châu Đốc, đồng thời tiếp tục xử lý triệt để bảy bãi rác còn lại, với thời gian hoàn thành đóng lấp xử lý ô nhiễm triệt để dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015.

Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh An Giang trung bình khoảng 1.305 tấn/ngày, trong đó lượng chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị hiện nay phát sinh khoảng 478 tấn/ngày, chiếm 37% và ở khu vực nông thôn 827 tấn/ngày chiếm 63%. Khối lượng được thu gom là 780 tấn/ngày (chiếm 60% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh), lượng chất thải rắn tự xử lý 325 tấn/ngày (chiếm 25% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh), còn lại chưa được thu gom 195 tấn/ngày (chiếm 15% tổng khối lượng rắn sinh hoạt sinh).

Chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường từ các nhà ở của dân, cơ quan, trường học, các khu dịch vụ, chợ, du lịch, đường phố, công viên, bến xe.