Tạo “sân chơi sòng phẳng” trong khai thác khoáng sản

ThienNhien.Net Đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ tạo ra “sân chơi sòng phẳng”, chỉ có doanh nghiệp khai khoáng có chuyên môn sâu, kinh nghiệm, kỹ thuật và năng lực tài chính mới đủ sức bền để chạy đường dài.

Nghị định 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã có hiệu lực thi hành được gần 2 năm, tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc vì các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ.

Vấn đề này đã được nhiều doanh nghiệp thắc mắc trong buổi đối thoại trực tuyến giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với người dân và doanh nghiệp được tổ chức ngày 15/4 vừa qua.

Lý giải về việc chưa triển khai được Nghị định, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn cho biết, những văn bản về việc đấu giá khai thác khoáng sản chưa thực sự đầy đủ, vẫn còn thiếu một thông tư vì còn có nhiều ý kiến khác nhau của các bộ, ngành nên cần trình cấp cao hơn để xử lý. Trong thời gian tới, thông tư này sẽ được ban hành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Khi đó, sẽ có sự sàng lọc các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ phải có khả năng về tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật… mới có thể tham gia đấu giá.

Nếu như trước đây quyền khai thác khoáng sản thực hiện theo cơ chế “xin-cho” thì bây giờ, sau khi đấu giá, các doanh nghiệp sẽ phải trả một khoản tiền lớn đồng thời vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác. Cùng với việc đấu giá, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lấy tiền giá sàn của đấu giá trong thời gian tới cũng sẽ loại nhiều doanh nghiệp, bởi khi phải trả tiền sẽ có nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả phải tự rút.

Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, bất cập nổi bật nhất là tình trạng khai thác khoáng sản một cách ồ ạt nhưng lợi nhuận, ngân sách Nhà nước thu được không đáng kể; người dân địa phương không được hưởng lợi ích từ hoạt động khai khoáng.

Khi việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản được triển khai, nhiều doanh nghiệp yếu kém sẽ phải tự động rút lui - Ảnh minh họa
Khi việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản được triển khai, nhiều doanh nghiệp yếu kém sẽ phải tự động rút lui – Ảnh minh họa

Điều này đã đặt ra yêu cầu bức thiết cần phải điều chỉnh lại chính sách về khoáng sản trong đó có quy định cụ thể về vấn đề đấu giá và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Mục tiêu chủ yếu của những điều chỉnh này là loại bớt những doanh nghiệp kém hiệu quả. Mặt khác, sẽ thu được một khoản tiền nhất định để điều chỉnh lại một phần cho ngân sách Nhà nước, một phần cho địa phương và xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi công cộng cho các địa phương diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản.

Trước việc nhiều doanh nghiệp tỏ ý băn khoăn nếu triển khai áp dụng quy định sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, thậm chí có những doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuấn khẳng định, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp phải dừng khai thác hoặc bị loại. Theo tính toán, sẽ có khoảng 20-30% doanh nghiệp bị loại bỏ vì không có khả năng nộp khoản tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Khi áp dụng Nghị định mới, doanh nghiệp phải nộp ít nhất vài tỷ đồng, thậm chí có những doanh nghiệp phải nộp khoản tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, thực tế khai thác khoáng sản là hoạt động chịu nhiều rủi ro vì tài nguyên nằm dưới lòng đất nên nếu doanh nghiệp không có chuyên môn sẽ không thể biết quặng phân bố như thế nào. Khai thác khoáng sản đòi hỏi các đơn vị doanh nghiệp phải có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm, kỹ thuật và năng lực tài chính… để đầu tư dài hơi.

Một vấn đề khác là trước đây, luật quy định doanh nghiệp tự bỏ vốn, tự thuê các đơn vị, công ty tư vấn để thăm dò… sau đó tập hợp số liệu để cơ quan Nhà nước phê duyệt. Nhiều trường hợp số liệu, dữ liệu có độ tin cậy không cao. Nếu bây giờ triển khai thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, sẽ có nhiều doanh nghiệp khó khăn vì lúc khai thác và thăm dò cho kết quả hoàn toàn khác nhau.

Để tháo gỡ cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thuấn cho biết, quy định sẽ cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn ra để thuê các công ty tư vấn, thăm dò lại dưới sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo tính khách quan, chính xác. Căn cứ trên cơ sở trữ lượng thăm dò lại, cơ quan có thẩm quyền sẽ phê duyệt lại và điều chỉnh lại tiền cấp quyền. Đây là hướng mở tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chứ không buộc các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả thăm dò trước đó.