Doanh nghiệp gây ô nhiễm, chính quyền ngại xử vì coi trọng “đóng góp“?

ThienNhien.Net – Trong khi người dân ngày đêm quay quắt sống trong ô nhiễm và mong muốn nhà máy sớm được di dời thì UBND tỉnh Nghệ An thay vì phải có giải pháp triệt để lại có văn bản coi trọng sự đóng góp ngân sách của doanh nghiệp hơn sức khỏe của dân…

Chưa xử lý xong ô nhiễm, đã xin nâng công suất

Như PLVN đã đưa tin trong bài viết “Nhà máy bia Sài Gòn bốc mùi hôi thối, dân cư đeo khẩu trang đi…ngủ”. Một thời gian dài người dân phường Trường Thi phải sống trong ô nhiễm do Nhà máy Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh tại số 54 đường Phan Đăng Lưu gây ra.

Trong khi công suất 25 triệu lít/năm nhà máy này đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân và nhà máy cũng như các cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý triệt để thì Công ty Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh lại có động thái nâng công suất lên 50 triệu lít/năm.

Trước những bức xúc của người dân, trả lời PLVN Chủ tịch UBND phường Trường Thi Nguyễn Tất Thiện cho biết, vừa rồi có đoàn kiểm tra, thẩm định để cấp phép cho xả thải xuống mương nước dân sinh nhưng phường không tham gia.

Đoàn của Bộ Tài nguyên Môi trường vào làm việc và đi khảo sát thẩm vấn từng tổ dân cư, nhưng không chỉ riêng phường Trường Thi không đồng ý mà nhiều phường khác cũng không đồng ý. Từ trước đến nay chỉ có năm 2007 Bộ Tài nguyên Môi trường về một lần đánh giá tác động môi trường. Theo những người dân thì họ không đồng ý với việc tiếp tục nâng công suất sản xuất bia của nhà máy vì sẽ gây ô nhiễm nặng hơn.

Cty Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)
Công ty Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Được biết, ngày 15/5/2013 ông Thiện thay mặt UBND phường Trường Thi ký văn bản trả lời Công văn số 178 của Công ty Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh rằng: Cơ bản đồng tình với bản tóm tắt nội dung của Đề án bảo vệ môi trường chi tiết gửi kèm theo Công văn 178/CV-BSGNT của Công ty Bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh. Biện pháp xử lý môi trường đối với Công ty Bia là yêu cầu cấp thiết, nhằm bảo vệ sức khỏe của nhân dân cư khu vực bị tác động trực tiếp.

Vì vậy công ty cần tập trung các điều kiện kỹ thuật xử lý nước thải và khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Nâng cấp hệ thống thoát thải, không để ô nhiễm đến không khí tự nhiên các vùng gần kề… Đề nghị cơ quan chức năng xem xét phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết cho Công ty CP Bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh để đưa vào hoạt động, chấm dứt việc gây ô nhiễm môi trường của nhà máy.

167 tỷ đồng có bằng sức khỏe, tính mạng người dân?

Theo tìm hiểu của PLVN, ngày 17/1/2014 Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có Quyết định số 06 xử phạt Công ty CP bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh 40 triệu đồng do thải khí CO vượt quy chuẩn kĩ thuật về chất thải 2.1 lần trong trường hợp lưu lượng khí thải là 13.200m3/giờ. Còn tại Báo cáo số 44 ngày 20/2/2014 về công tác bảo vệ môi trường tại Công ty bia thừa nhận năm 2013 đã để xảy ra sự cố về hệ thống xử lý nươc thái và khói lò; sự cố bụi than phát tán ra khu dân cư; sự cố mùi hôi phát tán; sự gây ồn ào và mất vệ sinh tại cổng phụ nhà máy. Ngoài ra, trước đó nhiều lần nhà máy này cũng bị phát hiện gây ô nhiễm và bị phạt hành chính.

Sống bên cạnh nhà máy bia người dân bị tra tấn bởi ô nhiễm (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)
Sống bên cạnh nhà máy bia người dân bị tra tấn bởi ô nhiễm (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Có thể thấy, việc ô nhiễm do nhà máy này gây ra không chỉ mới đây, không chỉ một lần mà đã trờ thành “truyền thống” khiến người dân vô cùng bức xúc. Tuy nhiên, trong khi ô nhiễm của nhà máy chưa được xử lý triệt để thì ngày 25/11/2013, Bộ Tài nguyễn Môi trường lại có Quyết định số 2344 phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết của Nhà máy bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh công suất 50 triệu lít/năm tại phường Trường Thi.

Về phía địa phương, ngày 15/1/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền đã Văn bản số 289/UBND-TN do ông Huỳnh Thanh Điền về việc xử lý ô nhiễm môi trường của Công ty CP Bia Sài Nghệ Tĩnh không những không chỉ đạo di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư mà lại còn “tuyên dương” nhà máy gây ô nhiễm này trong việc đóng góp ngân sách địa phương:

“Nhà máy Bia Nghệ An nay là Công ty CP Bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh được xây dựng từ những năm 1986, trước khi có quy hoạch đất dân cư xung quanh nhà máy. Với diện tích mặt bằng được quy hoạch sản xuất là 2,3ha với công suất ban đầu là 1 triệu lít/năm. Đến năm 2002, nhà máy nâng công suất lên 25 triệu lít/năm.

Hiện nay Công ty CP bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh là một trong những đơn vị đóng góp nhiều cho ngân sách của tỉnh (năm 2013 trên 167 tỷ đồng). UBND phường Trường Thi và các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền giải thích, vận động dân cư xung quanh nhà máy bia tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh…”

Nói về “ý chỉ” của Phó Chủ tịch Điền, ông Lê Xuân Hòa (TP Vinh) ngao ngán: “Không thể tưởng tượng được lãnh đạo lại coi thường sức khỏe, mạng sống của dân đến như vậy. Trong khi người dân lo lắng cho tính mạng của mình nên phản đối việc cho nhà máy nâng công suất và yêu cầu di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư, thì ông Điền lại không hề nhắc đến nguyện vọng tha thiết của nhân dân là di dời nhà máy mà còn “tung hô” doanh nghiệp đóng góp 167 tỷ đồng/ năm; Chẳng lẽ sức khỏe và sinh mạng của hàng trăm con người không bằng 167 tỷ đồng”.

Theo tìm hiểu của PLVN, bức xúc của người dân không phải là không có lý; bởi lẽ không chỉ người dân mà ngay chính quyền cơ sở cũng kiến nghị di dời nhà máy. Cụ thể, tại văn bản trả lời Công ty Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND phường Trường Thi Nguyễn Tất Thiện cũng nhấn mạnh “Tiếp tục nghiên cứu phương án di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư”.

Kêu gọi và ưu đãi đầu tư là việc là chính đáng và nên khuyến khích. Tuy nhiên, cũng không phải vì thu ngân sách và phát triển kinh tế mà chính quyền địa phương lại bỏ qua kiến nghị, coi thường sức khỏe và tính mạng của người dân.

PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.