Chia sẻ nguồn lợi dòng Mê Kông: Hợp tác để tránh tranh chấp

ThienNhien.Net – Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kôngg quốc tế lần thứ hai vừa kết thúc tại TP.Hồ Chí Minh với chủ đề “An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mê Kông”. TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên Phó Tổng thư ký Uỷ ban sông Mê Kông Việt Nam đã trao đổi với phóng viên ĐĐK về vấn đề này.

PV: Một trong những vấn đề mà các quốc gia thành viên của Ủy hội sông Mê Kông bàn đến lần này là dự án đập thủy điện Don Sahong nằm ở biên giới Lào-Campuchia. Là người đã từng tham dự nhiều cuộc họp của Ủy hội sông Mê Kông, ông có ý kiến như thế nào?

070414_97_3_a1Ông Đào Trọng Tứ: Ngay tổ chức Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) cũng đang đề nghị về vấn đề này. Kể cả Xayaburi và bây giờ là dự án Don Sahong cũng đang gặp phải những ý kiến băn khoăn. Vì dòng chính sông Mê Kông ở phần hạ lưu có rất nhiều yếu tố về đa dạng sinh học, sinh kế. Thủy điện Xayaburi làm ảnh hưởng đến môi trường sống của loài cá mèo quý hiếm. Còn dự án Don Sahong nằm ở giữa biên giới Lào-Campuchia là một trong những vùng rất “nhạy cảm” về mặt môi trường, trong đó có loài cá heo nước ngọt Irrawaddy rất quý, giờ chỉ còn lại vài chục cá thể.

Don Sahong lại nằm trên nhánh chính gồm 7 nhánh túa ra xong gộp lại. Khi xây đập ở trên dứt khoát ở hạ lưu bị ảnh hưởng. Không chỉ ảnh hưởng đến thủy sản, mà còn kéo theo các vấn đề khác.

Sông Mê Kông khác với những sông khác, nó chia sẻ giữa thượng nguồn và hạ nguồn các nước chung sống với nhau trên một dòng sông. Tất cả mấy chục triệu dân đang sống trên dòng sông ấy. Việt Nam là nước cuối cùng trên dòng sông, khi nó thay đổi thì tất cả mọi thứ sẽ thay đổi.

Vậy nếu các nước không vì cái lợi chung, thì sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

– Ba chân kiềng quan trọng đối với phát triển nguồn nước đó là an ninh nước, an ninh lương thực và cuối cùng là an ninh năng lượng. Nó giằng xé và phụ thuộc vào nhau, nên khi làm chính sách phát triển đòi hỏi phải có nhìn nhận sâu sắc. Bởi về sau con cháu sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta cứ tưởng rằng, ít nước thì trồng cây chịu hạn, nhiều nước thì trồng cây chịu lũ, mặn thì thay đổi giống, nhưng vấn đề không phải là như vậy. Nó sẽ dẫn đến xung đột. Do vậy phải thống nhất được với nhau, nếu không câu chuyện sẽ khác hẳn.

Vậy, theo ông, những nước đang được hưởng lợi từ dòng Mê Kông cần làm gì để bảo vệ nguồn lợi chung?

– Phải có những giải pháp mang tính tổng thể. Thứ nhất, về chính sách, tất cả các quốc gia phải ngồi với nhau để thấy rằng đây là con sông chung, trong điều kiện phát triển mới thì khác ghê gớm. Một “anh” đụng chạm sẽ làm đụng chạm đến tất cả các quốc gia liên quan. Không những vấn đề an ninh nước, an ninh lương thực mà an ninh khu vực cũng bị ảnh hưởng. Thứ hai là cần bàn tính xem trong quá trình phát triển như thế thì phát triển bao nhiêu là biền vững? phát triển như thế nào thì anh được lợi, tôi cũng được lợi. Như thế sẽ mang tính bền vững vì sự phát triển chung.

Còn giải pháp dài lâu cho Mê Kông, thưa ông?

– Trung Quốc nằm ở thượng nguồn nên có nhiều thuận lợi. Họ xây 5 con đập lớn đã hoàn thành trên dòng chính và hàng loạt đập nhỏ hơn đang xây dựng. Các công trình này ở nơi ít người nên không bị ảnh hưởng đến môi trường, người dân. Còn Việt Nam-Campuchia-Lào nằm ở phía sau nên bị ảnh hưởng nhiều hơn, đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực. Do vậy, giải pháp lâu dài là phải nghe nhau và cùng nhau hợp tác, nếu không sẽ xảy ra tranh chấp.

Ông vừa đề cập đến Trung Quốc, tại hội nghị lần này họ vẫn chỉ là một nước đối tác đối thoại dù cũng chia sẻ một tỉ lệ nhất định về nguồn nước Mê Kông. Phải chi, họ cũng là thành viên của Ủy hội sông Mê Kông thì hay biết mấy, thưa ông?

– Đúng vậy. Trung Quốc chiếm 18% về lưu vực, 16% về nguồn nước trong sông Mê Kông. Phần sông Mê Kông ở Trung Quốc rất quan trọng. Tất nhiên ở góc độ nhất định về nguồn nước thì Trung Quốc có những đóng góp. Hiện nay Trung Quốc hợp tác với Mê Kông là sự chia sẻ tài liệu về vấn đề mùa lũ, chịu lũ, dự báo lũ. Còn vấn đề mùa cạn thì không có.

Tuy nhiên, thiện chí trong hợp tác còn quan trọng hơn. Trung Quốc nằm ở vị trí thượng nguồn nên không bao giờ muốn tham gia vào tổ chức để bị ràng buộc; vào Ủy hội sông Mê Kông là phải chia sẻ. Câu chuyện giữa thượng nguồn và hạ nguồn luôn có sự khác nhau. Hạ nguồn thì luôn muốn hợp tác còn thượng nguồn thì muốn tránh.

Trân trọng cám ơn ông!