Mở rộng rừng trồng sao cho bền vững?

ThienNhien.Net – Nhu cầu về gỗ dự đoán sẽ tăng nhanh trong những thập kỷ tới, trong khi tốc độ phát triển những đồn điền mới hiện vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu này. Bài viết dưới đây của nhà tư vấn chính sách lâm nghiệp Sepul K. Barua và cán bộ cấp cao Petri Lehtonen thuộc Công ty tư vấn độc lập Indufor Oy (Phần Lan) đăng trên tạp chí khoa học Tropical Forest sẽ xem xét nhu cầu về gỗ, sức tăng trưởng kỳ vọng đối với lĩnh vực đồn điền và các giải pháp đề xuất cho các cơ sở trồng rừng quy mô vừa và nhỏ nhằm đảm bảo việc mở rộng đồn điền bền vững về cả kinh tế, xã hội cũng như môi trường.

Theo Ngân hàng dữ liệu rừng trồng Indufor công bố năm ngoái, tổng diện tích cây công nghiệp toàn cầu năm 2012 đã đạt 54,3 triệu héc-ta. Các nước chiếm diện tích lớn nhất (trên 5 triệu héc-ta/nước) là Mỹ, Trung Quốc và Brazil, xếp sau (trên 2,5 triệu héc-ta/nước) là Ấn Độ và Indonesia. Xét theo khu vực thì châu Á là khu vực dẫn đầu về tổng diện tích cây công nghiệp, kế đến là Bắc Mỹ và Mỹ Latinh. Con số này ở châu Phi, châu Đại dương và châu Âu không hơn nhau là mấy.

Cứ theo đà tăng trưởng hiện tại, Indufor dự đoán, diện tích trồng cây công nghiệp toàn cầu sẽ tăng lên 91 triệu héc-ta vào năm 2050. Châu Á và Mỹ Latinh là hai khu vực được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao nhất với diện tích lần lượt là 17 triệu héc-ta và 15 triệu héc-ta tính đến năm 2050.

Dự đoán năm 2050, diện tích đồn điền trồng cây công nghiệp toàn cầu sẽ đạt khoảng 91 triệu héc-ta (Nguồn ảnh: Itcpspd.com)
Dự đoán năm 2050, diện tích đồn điền trồng cây công nghiệp toàn cầu sẽ đạt khoảng 91 triệu héc-ta (Nguồn ảnh: Itcpspd.com)

Cũng theo Indufor, lượng cung cấp gỗ tròn từ các đồn điền công nghiệp có khả năng sẽ tăng từ hơn 500 triệu mét khối năm 2012 lên tới khoảng 1,5 tỷ mét khối năm 2050. Mức tăng trên được dự đoán trên cơ sở sự mở rộng diện tích cũng như chất lượng của các đồn điền lớn nhờ những cải tiến vượt bậc về giống, kỹ thuật và quản lý.

Động lực chính thúc đẩy nhu cầu về gỗ, từ đó dẫn đến xu hướng mở rộng các đồn điền công nghiệp nằm ở tốc độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển của nền kinh tế, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ. Sự phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm các cảng biển đang giúp các nước sản xuất gỗ có cơ hội tiếp cận những thị trường quốc tế rộng mở với lượng cầu khổng lồ. Đồng thời, việc nhiều nước thay đổi chính sách khí hậu và năng lượng, từng bước từ bỏ nền kinh tế dựa chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch để chuyển dần sang nền kinh tế các-bon thấp cũng làm tăng nhu cầu sử dụng sinh khối gỗ cho các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, chế phẩm sinh học…, từ đó đẩy nhu cầu tiêu thụ gỗ lên cao.

Hiện tại, các đồn điền gỗ mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu gỗ tròn công nghiệp toàn cầu. Báo cáo đánh giá chiến lược về tương lai các đồn điền trồng rừng trên thế giới do Indufor công bố năm 2012 ước tính rằng năm 2050, lượng cung cấp gỗ từ các đồn điền có khả năng đáp ứng khoảng 35% tổng nhu cầu về gỗ công nghiệp. Nói cách khác, tỷ lệ tăng lượng cung cấp gỗ từ các đồn điền sẽ ở mức tương đương với tỷ lệ tăng nhu cầu về gỗ tròn công nghiệp. Theo đó, nếu chỉ dựa vào các đồn điền cây công nghiệp sẽ không thể đáp ứng nhu cầu về gỗ tròn công nghiệp mà cần phải hướng tới quản lý hiệu quả các đồn điền hiện có, đồng thời mở rộng mạng lưới đồn điền một cách bền vững.

Thách thức cần vượt qua

Để mở rộng các đồn điền trồng rừng lớn, những quốc gia có tiềm năng mở rộng như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… cần phải vượt qua một loạt thách thức liên quan tới các vấn đề đất đai, môi trường, xã hội, quản trị và đầu tư.

Theo dự đoán, trong vài thập kỷ tới, số lượng các cơ sở trồng rừng quy mô vừa và nhỏ ở những quốc gia nói trên sẽ tăng lên. Điểm yếu lớn nhất của họ chính là thiếu năng lực và vị thế để có thể đứng ra đàm phán, giao dịch với những người vận hành thị trường, đại lý trung gian và những khách hàng lớn. Ngoài ra, họ thường không có đầy đủ thông tin về thị trường và dựa chủ yếu vào các đại lý trung gian để tiến hành giao dịch.

Một thách thức khác mà đa phần các nước đều gặp phải là tình trạng trưng dụng đất và cạnh tranh về vấn đề sử dụng đất. Ở nhiều quốc gia châu Á và châu Phi, đất đai phần lớn thuộc quyền sở hữu của nhà nước, do đó việc đạt được quyền sở hữu đất không hề dễ dàng, thậm chí còn dễ châm ngòi cho những xung đột xã hội, ảnh hưởng xấu đến vị thế quốc gia, nhất là trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu về lương thực, gỗ và nhiên liệu sinh học không ngừng gia tăng, cuộc cạnh tranh đất đai giữa các đồn điền trồng rừng và nông nghiệp càng trở nên căng thẳng. Điều này trực tiếp đẩy giá đất lên cao, khiến các đồn điền trồng rừng buộc phải chuyển hướng dần sang những vùng đất mới.

Thêm nữa, việc mở rộng đồn điền trồng gỗ còn dễ dẫn đến tình trạng mất rừng tự nhiên hay các bãi than bùn, làm phát thải một lượng các-bon đáng kể ra bầu khí quyển; đồng thời gây nguy cơ thiếu nước do thường xuyên phải sử dụng nước để tưới tiêu.

Chưa kể, hoạt động quản trị yếu kém ở nhiều quốc gia châu Á và châu Phi cũng khiến xu hướng phát triển này càng thêm rủi ro, nhất là về vấn đề thực thi pháp luật. Đơn cử như ở Uganda – nơi đã thiết lập được một hệ thống pháp luật bảo vệ rừng tương đối mạnh, công tác thực thi pháp luật lại bộc lộ những yếu kém do thiếu ngân sách hoạt động, hạn chế về thể chế và năng lực của cán bộ thực thi…

Phát triển theo hướng bền vững

Từ những thách thức trên, nhóm tác giả đề xuất một vài giải pháp để hoạt động mở rộng các đồn điền lớn trên toàn cầu diễn ra thuận lợi và phát triển theo hướng bền vững nhất.

Trước hết, các cơ sở trồng rừng quy mô vừa và nhỏ nên xây dựng các hiệp hội, liên minh, tổ hợp tác để hỗ trợ lẫn nhau trong việc mở rộng quy mô, tiếp cận thông tin và đàm phán thành công với khách hàng cũng như các nhà cung cấp.

Kế đến, các nước có tiềm năng mở rộng diện tích đồn điền cần tạo ra những nguồn đầu tư hoặc cho vay bền vững, có trách nhiệm. Ở nhiều quốc gia đang phát triển, tình trạng các cơ sở trồng rừng thiếu vốn đầu tư dài hạn được nhìn nhận là một rào cản lớn đối với quy hoạch phát triển đồn điền. Theo đó, chính phủ cần tạo điều kiện cung cấp cho họ những khoản vay cần thiết từ hệ thống ngân hàng phát triển trung ương hay các thể chế tài chính khác, nhất là với các cơ sở quy mô vừa và nhỏ vốn không đủ khả năng vay vốn nước ngoài.

Về phần mình, trước khi quyết định đầu tư hoặc cho vay, các thể chế tài chính cũng nên cân nhắc, đánh giá kỹ những rủi ro có thể gặp phải bởi loại hình đầu tư này còn khá mới, nếu không cẩn thận sẽ rất khó thu hồi vốn.

Thứ nữa, chính phủ các nước có ý định đầu tư mở rộng đồn điền cần thúc đẩy quản trị hiệu quả và tăng cường tính minh bạch thông qua các sáng kiến cải cách quản trị toàn diện. Điều đó cũng sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ tham nhũng và tệ quan liêu, ngoài ra còn rút ngắn được các quy trình, thủ tục đầu tư phiền hà.

Cùng với quá trình cải cách quản trị, các nước cần chú trọng cải thiện chính sách, pháp luật liên quan tới các quy trình trưng dụng và cho thuê đất, sắp xếp lại hệ thống địa chính và bản đồ phân bố đất đai trên lãnh thổ của mình, đồng thời xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tạo ra và ứng dụng thành công các mô hình đồn điền thử nghiệm trước khi triển khai thực tiễn.

Đặc biệt, sẽ thành công hơn nếu chính phủ các quốc gia có tiềm năng mở rộng đồn điền triển khai hiệu quả quy hoạch về thuế và những cơ chế khuyến khích. Nhiều cơ chế khuyến khích trồng rừng cũng đồng thời thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến gỗ. Đổi lại, các dòng đầu tư vào ngành chế biến cũng thúc đẩy đầu từ vào lĩnh vực trồng rừng bằng cách đảm bảo đầu ra cho gỗ.  Tuy nhiên, các khoản khuyến khích trồng rừng như vậy không nên do chính phủ khởi xướng mà nên được vận hành bởi thị trường cạnh tranh. Đồng thời, cũng cần chú trọng việc đánh giá và loại bỏ các tác động tiêu cực của các khoản hỗ trợ, khuyến khích trong lĩnh vực khác có thể gây trở ngại cho lĩnh vực lâm nghiệp (chẳng hạn các khoản hỗ trợ nông nghiệp có thể dẫn đến phá rừng).

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, nhóm tác giả khuyến cáo rằng các chương trình khuyến khích, hỗ trợ nên là các chương trình dựa trên kết quả triển khai thực tế – chú trọng vào tỷ lệ cây sống cao và sản lượng; chỉ nên là chương trình ngắn hạn; kết hợp được cả hai hình thức hỗ trợ trực tiếp – gián tiếp; hỗ trợ được nhiều nhóm đối tượng; và tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn tốt nhất về môi trường – xã hội. Xây dựng được cơ chế hiệu quả sẽ hỗ trợ các nước rất nhiều trong quá trình phát triển và quản lý bền vững các đồn điền trồng gỗ.

Ngoài ra, đầu tư trồng rừng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do sâu bệnh, cháy rừng và các nguy cơ khác. Chính vì thế việc phát triển các hình thức giảm nhẹ rủi ro như chương trình bảo hiểm hoặc quỹ đảm bảo rủi ro là rất cần thiết. Các cơ chế bảo hiểm như vậy có thể giảm nhẹ rủi ro đổ vỡ tài chính, đồng thời cũng tháo gỡ bớt những cản trở trong đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Bên cạnh tất cả các giải pháp trên, các giải pháp dài hạn như những cải cách trong và ngoài ngành lâm nghiệp, tăng cường ổn định chính trị, kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh chắc chắn sẽ có những tác động tích cực đáng kể nhằm phát triển bền vững ngành trồng rừng.