Đầu tư vào nông nghiệp, đất nước giàu nhanh hơn

ThienNhien.Net – Mía đường của nước bạn Lào có giá thành thấp hơn 3 lần so với mía đường Việt Nam là một cú sốc thực sự cho nền nông nghiệp nước ta! Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng yêu cầu đầu tư xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Thực tế một số doanh nghiệp lớn cũng đã đầu tư vào nông nghiệp. Rõ ràng nền nông nghiệp nước ta đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng bắt đầu từ đâu? Chúng tôi đặt câu chuyện này với GS-TS Võ Tòng Xuân – nhà nông học hàng đầu Việt Nam, hiện nay là hiệu trưởng một số trường đại học.

Thiếu kiến thức, thiếu quy hoạch

Thưa giáo sư, tại sao gần như các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta không cạnh tranh nổi trên thế giới, trong khi có khoảng 80% là nông dân hoặc “gốc gác” nông dân?

Gs-Ts. Võ Tòng Xuân: Chúng ta hội nhập kinh tế toàn cầu, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có năng lực cạnh tranh. Làm cái gì cũng nghĩ đến cạnh tranh. Khi thế kỷ 21 bắt đầu, các nước lớn như Canada, Mỹ, Úc… và gần chúng ta nhất là Singapore có hẳn chương trình đào tạo lại các thành phần trong xã hội để có năng lực cạnh tranh. Lúc đó, chúng ta dửng dưng, chưa hình dung rõ. Bây giờ chúng ta mới bắt tay thực hiện chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, càng lo cho nông dân thì mới thấy mình đi sau người ta, tụt hậu xa hơn.

Ở những nước phát triển trên thế giới, phần lớn nông dân đều được học hành bài bản. Hà Lan có diện tích chỉ bằng ĐBSCL nhưng sản xuất lượng nông sản có giá trị đứng thứ nhì thế giới. Các nông dân này phải có trình độ đại học hoặc cao đẳng. Không học thì không được nhận lãnh đất canh tác trên những ô đất mới lấn biển. Tôi tới thăm một gia đình nông dân tại Đan Mạch, khi giới thiệu xong ông chủ nhà liền nói: “Gia đình tôi rất vinh dự vì có thằng rể là nông dân. Tôi già rồi, nhà tôi chỉ mỗi tôi có bằng cấp về nông nghiệp nên nhà nước cho nhận đất, nếu không có ai kế tục thì đất này giao lại nhà nước”. Tôi nghe xong “tá hỏa” liền, quả là cú sốc về văn hóa! Đó là điều khác biệt cơ bản với nước ta, cha truyền con nối, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lão nông tri điền; quan niệm lâu nay là thi rớt đại học mới làm nông.

Một điểm khác, Việt Nam trong thời gian dài nhờ các nước giúp khá lên, các cá thể khá lên, nhưng rồi các cá thể không liên kết lại, mạnh ai nấy làm thì không đi tới đâu. Trong thời buổi hội nhập hàng hóa nông nghiệp phải đi vào các siêu thị hoặc các nhà phân phối mới làm giàu, còn vào chợ “chồm hổm” chỉ sống qua ngày thôi.

Nhưng chúng ta luôn đối mặt với nghịch cảnh được mùa mất giá, loay hoay trồng cây gì, nuôi con gì?

Gs-Ts. Võ Tòng Xuân: Cái này là một phạm trù khác, không phải trách nhiệm của nông dân. Lâu nay chúng ta hay nói nông dân trồng cây này cây kia, nhưng không ai chỉ chỗ cho họ bán, không biết ai mua. Chỗ nào cũng bắt người ta trồng lúa, nhưng không biết tiêu thụ ra sao?

Tôi thấy ở các quốc gia tiên tiến có quy hoạch nông nghiệp bài bản, còn nông dân ở mình rất “tự do”, muốn trồng gì thì trồng, không thì chặt, thiệt hại cuối cùng thuộc về nông dân. Rõ ràng, vai trò về vĩ mô không điều khiển được. Ngay cả Bộ NN-PTNT nước ta tuy có trang web về lúa, nhưng lại không có sơ đồ vùng nào đang gieo trồng, vùng nào đang thu hoạch… Lẽ ra khi nắm được điều này thì chúng ta mới biết được như thế nào và điều khiển ra sao.

Chúng ta có quy hoạch nhưng để ai muốn làm gì thì làm, không chế tài được nên cũng như không. Ví dụ ngành mía đường ở tỉnh nọ, quy hoạch đã được phê duyệt nhưng xuống tới nông dân thì chuyển sang trồng mì, lý do là giá mì cao hơn. Cấp xã lại nói thôi để trồng mì mới có tiền… Vậy là da beo, chỗ này mía, chỗ kia cao su, chỗ nọ lại trồng cây mãng cầu.

Thưa giáo sư, nhưng với nông dân, phần lớn họ chỉ quan tâm trồng cây gì, nuôi con gì có lời?

Gs-Ts. Võ Tòng Xuân: Chính xác. Bây giờ phải làm sao cho nông dân thấy nhà nước quy hoạch như thế này là đúng, có lời nhất, thế họ mới trung thành với quy hoạch đó. Làm nghề quy hoạch phải phân tích chất đất, nước, thổ nhưỡng… rồi lên bảng phân bổ thị trường, chứ không phải làm bản đồ quy hoạch để treo trên tường. Nhiều quy hoạch của chúng ta không theo cơ sở khoa học mà chỉ duy ý chí. Như quy hoạch mía đường, đến giờ chúng ta cũng chưa có cơ sở dữ liệu khoa học nào chính xác để hướng dẫn nông dân trồng giống mía gì trên đất của mình, chế độ bón phân, cách làm đất, nước tưới như thế nào. Chủ yếu chúng ta dựa vào kinh nghiệm cũ, nông dân dựa vào đó, khuyến nông cũng lấy ra xài, chứ không dựa trên căn cứ khoa học chuẩn xác để thực hiện theo quy trình. Khi có được giải pháp đó, nông dân mới có lời hơn khi thực hiện theo quy hoạch, từ đó mới tuân thủ quy hoạch, trung thành với mình.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Phải có những “nông dân lớn”

Vậy muốn thay đổi căn bản về nông nghiệp, chúng ta phải bắt đầu từ đâu, thưa giáo sư?

Gs-Ts. Võ Tòng Xuân: Quy hoạch của Chính phủ là vô cùng quan trọng. Chúng ta phải tiến hành quy hoạch, xem thị trường trong nước, quốc tế để tạo ra được bản đồ quy hoạch động. Chắc chắn trên thế giới nhu cầu về gạo sẽ giảm đi nhưng thịt cá, trứng tăng lên, tức bò, heo, gà… phải có thức ăn, tinh và xơ, điều đó cũng có nghĩa là “bớt lúa tăng cỏ” cho gia súc. Ví dụ như ở lãnh thổ Đài Loan, mặc dù biết trồng lúa rất hay nhưng nếu trồng toàn lúa thì không bán hết được nên họ trồng một phần lúa, còn lại trồng cỏ để nuôi bò. 1ha cỏ có giá trị gấp 4 lần 1ha lúa! Vì thế chúng ta không nên chỉ trồng lúa!

Nhà nước đóng vai trò đầu tàu, hoạch định chiến lược, bơm vốn ra mới thu hút được nguồn lực xã hội tham gia đầu tư. Trong ngành mía đường của Thái Lan, một tập đoàn tư nhân mỗi năm bỏ ra mười mấy triệu USD cho nghiên cứu khoa học. Tất nhiên bên cạnh đó Chính phủ Thái Lan có hỗ trợ, nhưng bản thân tập đoàn phải lo, làm sao có một chuỗi giá trị kỹ thuật nhằm đảm bảo cho nông dân có lời. Chưa hết, Thái Lan có hẳn một trường đại học về mía đường, ở Ấn Độ tiểu bang nào có cây mía là có chương trình đào tạo về cây mía. Ngược lại, Việt Nam có một viện nghiên cứu mía đường nhưng ngân sách quá mỏng, mỗi năm sử dụng khoảng 2 tỷ đồng, không có nghiên cứu gì đáng kể. Cây lúa cũng vậy, nhiều nơi nghiên cứu, nhưng thực ra cũng “què quặt”.

Tiếp đó, chúng ta cần có những “nông dân lớn”, như liên kết 4 nhà để lập ra cánh đồng mẫu lớn. Tất cả các nông dân này cùng làm đúng quy trình; đầu tư khoa học kỹ thuật, tiếp thị sản phẩm ra thế giới… Lúc đó mới nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế được. Đã hội nhập thì trong đầu phải luôn luôn nghĩ đến cạnh tranh. Hộ nông nhỏ phải đổi mới, trở thành một bộ phận của “nông dân lớn”, chứ không theo cách làm cũ. Từ đó sẽ phát triển nhanh hơn, nông dân giàu nhanh hơn, đóng thuế cho nhà nước nhiều hơn, đất nước sẽ nhanh giàu hơn.

Bằng cách nào để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới?

Gs-Ts. Võ Tòng Xuân: Thế giới cơ bản có 3 nhóm chính: thứ nhất là lao động, đông nhất nhưng không bán được hàng. Thứ hai là doanh nghiệp, kết nối thị trường. Để hai ông này ngồi với nhau, phải có ông thứ ba là nhà nước, đứng giữa điều phối, tạo điều kiện tài chính, pháp luật, cũng như đi “bắt mối” giữa nước này với nước kia, giữa các thị trường với nhau để tìm đầu ra cho 2 nhóm đầu. Do đó, vai trò xúc tiến thương mại rất lớn, dẫn dắt doanh nghiệp sản xuất để gặp gỡ thị trường lớn chào sản phẩm, ví dụ có những hội chợ đặc biệt mà các ngày đầu dành cho những “ông lớn” về sản xuất và tiêu thụ gặp nhau, sau đó mới mở cửa cho công chúng. Tức là phải chủ động tìm kiếm thị trường tiềm năng, đưa sản phẩm của mình tới chào hàng, chứ không phải thụ động ngồi nhà chờ họ tới, được chăng hay chớ. Về lâu dài phải triệt tiêu, giảm thiểu chi phí trung gian để giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Cảm ơn giáo sư!

Từ năm 2006, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) triển khai chương trình Cùng nông dân ra đồng. 1.017 kỹ sư “3 cùng” của công ty có mặt trực tiếp tại 12.000 điểm, mô hình trên cả nước để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân, nhằm giúp nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao kỹ thuật canh tác và nâng cao được năng suất, chất lượng nông sản, từ đó nâng cao thu nhập.Năm 2007, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp tại Lào, Campuchia. Tính đến nay, quỹ đất này công ty đang sở hữu lên đến 100.000ha. Ba loại cây chủ lực được đầu tư gồm: cao su, mía đường và cọ dầu.

Công ty cổ phần Cá tầm Việt Nam đã thuê các chuyên gia Nga sang làm việc về sinh sản và ấp nở thành công cá tầm Nga tại Việt Nam. Đặc biệt đơn vị này đang sở hữu các giống cá tầm Beluga quý hiếm cho trứng với giá trị hàng ngàn USD mỗi ký. Công ty đã sở hữu đàn cá tầm trên 500.000 con tại nhiều hồ nước trên toàn quốc.

Công ty cổ phần Việt – Úc đã thuê chuyên gia từ Úc nghiên cứu tạo ra giống tôm thẻ chân trắng năng suất cao, ít dịch bệnh, thích nghi với điều kiện Việt Nam. Sau hơn 10 năm, đến nay Công ty cổ phần Việt – Úc đã có nhà máy sản xuất tôm giống tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Bạc Liêu… với hàng chục tỷ con tôm giống cung ứng ra thị trường mỗi năm, cạnh tranh được với các tôm giống nhập ngoại.