Thủy điện chuyển dòng, sông Srêpốk “chết” khô

ThienNhien.Net – Dù mới bước vào đầu mùa khô, nhưng đoạn sông Srêpốk chảy qua địa phận huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã cạn kiệt nước vì bị thủy điện Srêpốk 4A chuyển dòng chảy. Khu du lịch vắng khách, hàng trăm người dân sống xung quanh lâm vào cảnh khốn đốn vì thiếu nước.

Thác cạn, cây chết…

Ngày 1-1 vừa qua, công trình thủy điện Srêpốk 4A (có công suất 64MW, do Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn làm chủ đầu tư) đã phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia. Nguồn nước cung cấp cho thủy điện này được lấy trực tiếp từ cửa xả của thủy điện Srêpốk 4 đáng lẽ nó phải đổ về lại sông Srêpốk, nhưng thủy điện này lại đào kênh dẫn dòng (dài khoảng 15km) chạy từ xã Ea Wer qua xã Krông Na, sau đó mới đổ về đoạn sông Srêpốk ở xã Ea Huar. Vì thế, khoảng 20km sông Srêpốk chảy qua các xã Ea Wer, Ea Huar, Krông Na và Vườn quốc gia Yok Đôn đã bị cạn kiệt nước.

Khi đoạn sông Srêpốk này cạn nước, dòng thác đẹp Bảy nhánh của Khu du lịch Bản Đôn của Công ty Du lịch sinh thái Bản Đôn (ở xã Ea Wer) gần như biến mất. Những rặng si trăm tuổi nằm dưới thác đã bắt đầu chết khô. Vào thời điểm này những năm trước, trên cầu treo tấp nập người qua lại để ngắm dòng sông, ngắm thác nước. Bây giờ vắng hoe, không một bóng người.

Dịch vụ du lịch cưỡi voi ở khu du lịch Cầu Treo vắng khách khi đoạn sông Srêpốk chảy qua đây trơ đáy (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)
Dịch vụ du lịch cưỡi voi ở khu du lịch Cầu Treo vắng khách khi đoạn sông Srêpốk chảy qua đây trơ đáy (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)

Khu du lịch Cầu Treo của Trung tâm Du lịch Buôn Đôn có đoạn sông Srêpốk chảy qua đây cũng chung cảnh ngộ. Nhiều đoạn sông cạn trơ đá, nước chỉ đọng lại thành vũng nhỏ và những rặng si cũng bắt đầu chết khát. Dưới chân chòi cưỡi voi, sông cũng không còn nước, vì thế chẳng thấy bóng dáng voi hay du khách cưỡi voi như trước đây. Theo anh Nguyễn Văn Thao, Phó Trưởng điều hành Trung tâm Du lịch Buôn Đôn, bức xúc: “Vào những tháng cao điểm của mùa khô các năm trước, đoạn sông Srêpốk này cũng không cạn kiệt như bây giờ. Nghe bảo thủy điện họ xả đúng cam kết liên tục 8,23m³/giây, nhưng chúng tôi không tin lắm”.

Dân khó trăm bề

Hàng chục năm qua, cuộc sống mưu sinh của những người dân huyện Buôn Đôn gắn liền với con sông Srêpốk. Con sông này cung cấp nước ăn, nước tưới và mang tới cho họ những đặc sản sông nước như: cá lăng, cá mõm trâu… Vì thế, sông Srêpốk khô cạn làm họ khốn khổ trăm bề. Hàng trăm hộ dân ở các thôn 9, thôn Nà Ven (xã Ea Wer), buôn Jang Lành, buôn Trí A, buôn Trí B (xã Krông Na)… đang sống trong cảnh “nhịn nước”.

Khi sông Srêpốk cạn nước, nghề đánh cá của những người dân ở xã Krông Na cũng mất dần. Anh Nguyễn Văn Thao cho biết: “Trước đây, mỗi ngày đánh lưới họ cũng kiếm được vài ba ký cá. Từ khi thủy điện mọc lên, trên sông Srêpốk chẳng còn thấy bóng dáng con cá nào cả”!

Trong khi đó, đoạn Sông Srêpốk chảy qua thôn 9 và thôn Nà Ven (xã Ea Wer) cũng có khoảng gần 1km đang trong tình trạng khô kiệt. Nhiều diện tích lúa nằm ven sông của người dân đang dần héo khô vì không có nước tưới, còn hàng chục giếng khoan cũng hết nước vì sông cạn làm mực nước ngầm giảm mạnh. Tại đoạn sông Srêpốk chảy qua địa phận Vườn quốc gia Yok Đôn, cũng có khoảng 3km bị cạn kiệt và gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, trăn trở: “Phải có cơ quan chuyên môn mới đánh giá hết được ảnh hưởng của việc cạn kiệt nước sông Srêpốk đối với hệ sinh thái vườn, nhưng trước mắt nước sông bị cạn sẽ tạo thuận lợi cho lâm tặc dễ dàng xâm nhập vườn để khai thác gỗ lậu”.

Tìm đến cống phay xả nước của thủy điện Srêpốk 4A (nằm dưới thủy điện Srêpốk 4 khoảng 500m) ngày 27-2, chúng tôi thấy cống này mở rất nhỏ và lượng nước kênh dẫn dòng đổ về sông Srêpốk cũng rất ít. Trao đổi với ông Hoàng Đình Trọng, Trưởng phòng Tổng hợp Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn, ông khẳng định thủy điện này vẫn đang xả đúng cam kết với mức nước liên tục 8,23m³/giây!? Còn ông Huỳnh Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, cho biết vừa đi kiểm tra và thấy thủy điện cũng xả đúng cam kết. Tuy nhiên ông Quang cũng cho biết: “Huyện không có người chuyên trách theo dõi việc xả nước của thủy điện, chỉ khi nào có người dân phản ánh thì chúng tôi mới đi kiểm tra. Nếu họ xả không đúng, cơ quan chức năng địa phương sẽ xử phạt theo quy định”. Như vậy, rất khó để giám sát được thủy điện Srêpốk 4A có xả nước đúng cam kết hay không?

Ông Y Tuyên Nikdăm, Chủ tịch HĐND xã Ea Wer, khẳng định: “Từ khi thủy điện Srêpốk 4A ngăn dòng, phát điện, đoạn sông Srêpốk chảy qua địa phận xã mới bị khô cạn như thế. Rõ ràng thủy điện không xả nước đúng cam kết”. Trước câu hỏi về trách nhiệm của địa phương khi để thủy điện này làm cạn nước sông Srêpốk và gây khốn khổ cho người dân, ông Huỳnh Văn Quang nói: “Dự án thủy điện này do Bộ Công thương và tỉnh phê duyệt, huyện không có quyền can thiệp. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng chứ không có quyền can thiệp vào vấn đề kỹ thuật của nhà máy thủy điện này. Dù biết trước thủy điện này sẽ làm cạn đoạn sông Srêpốk cũng đành phải chịu thôi”!?

Trên dòng sông Srêpốk chảy qua địa phận tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông hiện có 8 dự án thủy điện đang hoạt động. Những thủy điện này phân bố theo bậc thang, thủy điện sau lấy nước từ cống xả của thủy điện trước. Khi thủy điện ở bậc trên xả nước phát điện, thủy điện ở bậc dưới mới có nước phát điện và xả về sông Srêpốk. Khi mới lập dự án xây dựng thủy điện Srêpốk 4A theo phương pháp kênh dòng, các nhà khoa học và báo chí đã từng cảnh báo thủy điện sẽ làm cạn kiệt khoảng 20km sông Srêpốk chảy qua địa phận huyện Buôn Đôn. Nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng địa phương vẫn chấp thuận phương án này, dẫn đến cảnh người dân khốn khổ trăm bề do thiếu nước.