Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả – động lực tăng trưởng xanh ở đô thị

ThienNhien.Net – Khu vực đô thị chiếm tới 2/3 nhu cầu năng lượng và lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Lâu nay, khu vực này luôn được coi là đầu tàu cho cỗ máy tăng trưởng kinh tế của các nước, nhưng hiện tại, nó còn đóng vai trò chính trong công cuộc phát triển bền vững của thế giới. Để nắm bắt cơ hội trở thành động lực tăng trưởng xanh toàn cầu, các thành phố Đông Nam Á đã lựa chọn hướng tiếp cận những giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn mà vẫn đáp ứng được nhu cầu cơ bản trong sản xuất và đời sống.

Báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) “Energizing Green Cities in Southeast Asia – Applying Sustainable Urban Energy and Emissions Planning” (Tạm dịch: Cung cấp năng lượng cho các đô thị xanh ở Đông Nam Á: Áp dụng Quy hoạch phát thải và năng lượng đô thị bền vững) đã phát hiện ra mối tương quan rõ nét giữa việc đầu tư vào các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các cấu trúc hạ tầng với tăng trưởng kinh tế.

Thông qua nghiên cứu ba trường hợp gồm Đà Nẵng (Việt Nam), Surabaya (Indonesia) và Cebu (Philippin), báo cáo kết luận chỉ cần cải thiện hiệu quả năng lượng kết hợp giảm lượng phát thải khí nhà kính, các thành phố sẽ vừa góp phần bảo vệ môi trường toàn cầu, vừa hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương nhờ những tiến bộ về mặt năng suất, giảm thiểu được ô nhiễm và sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Tính bền vững và sử dụng hiệu quả nguồn lực được đặt vào trọng tâm trong quy hoạch phát triển của thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, thành phố này còn theo đuổi chiến lược quản lý nước thải, triển khai chương trình bảo tồn và sử dụng hiệu quả năng lượng, đồng thời nỗ lực tìm kiếm các giải pháp sử dụng công nghệ năng lượng tái tạo và phát triển giao thông công cộng.

Với Surabaya, bên cạnh việc xây dựng những kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, thành phố còn tập trung vào khai thác nguồn năng lượng từ các bãi rác.

Riêng ở Cebu, chính quyền thành phố đang phấn đấu cắt giảm 15% lượng nhiên liệu sử dụng trong lĩnh vực giao thông – vận tải chỉ đơn giản bằng cách dùng chất phụ gia ethanol pha chế vào xăng dành cho các phương tiện sử dụng động cơ. Cebu còn đầu tư cải thiện hiệu suất năng lượng của các tòa nhà bằng cách ứng dụng công nghệ chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả hơn, đồng thời lập lịch trình hoạt động điều hòa nhiệt độ thông minh hơn.

Để thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả ở các hộ gia đình trong thành phố, chính quyền thành phố Cebu đã liên kết với một công ty chuyên cung cấp sơn tạo ra “những mái nhà mát”, tiết kiệm được năng lượng.

Ảnh minh họa (Nguồn: Carbon Trust)
Ảnh minh họa (Nguồn: Carbon Trust)

Theo đánh giá từ Báo cáo, mặc dù các đô thị Đông Nam Á đã có những tiến bộ bước đầu trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, song họ cũng đang phải đối mặt với nhiều rào cản lớn như thiếu sự phối hợp và lập kế hoạch giữa các cơ quan và các lĩnh vực, thiếu nền tảng kỹ thuật và tài chính…

Từ đó, báo cáo của WB đã khuyến nghị các đô thị nên áp dụng Quy hoạch phát thải và năng lượng đô thị bền vững (SUEEP) để thúc đẩy các chính sách năng lượng đô thị toàn diện và các chiến lược đầu tư tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, từ đó tạo việc làm, tăng đầu tư và cải thiện năng suất lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.

Khung SUEEP giúp xác định những vấn đề phát thải và năng lượng chính mà một thành phố phải đối mặt; thiết lập lộ trình tối đa hóa hiệu quả sử dụng năng lượng; lồng ghép mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các tiến trình quy hoạch lớn của từng đô thị; tạo sự phối hợp giữa các lĩnh vực để tránh xung đột hoặc trùng lặp kế hoạch; tăng mối quan hệ hợp tác với các bên liên quan; và giúp lập ra các quy trình báo cáo, giám sát cần thiết cho hoạt động quản lý và thu hút đầu tư.

Các thành phố ở Đông Nam Á – nơi có tốc độ phát triển nhanh gấp 2 lần so với các khu vực khác trên thế giới và ước tính, đến năm 2030 sẽ có khoảng 70% dân số sống ở thành thị – đang có nhiều lợi thế để trở thành động lực tăng trưởng xanh cho nền kinh tế toàn cầu. Từ đó, các thành phố này được khuyến cáo theo đuổi con đường tăng trưởng sạch hơn, bền vững hơn và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, trong khi vẫn đóng vai trò đầu tàu cho cỗ máy tăng trưởng.