Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong nông nghiệp

ThienNhien.Net – Tác động của biến đổi khí hậu đối với kinh tế-xã hội Việt Nam là rất nghiêm trọng và là một thách thức cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước; trong đó, sản xuất nông nghiệp được coi là một trong những lĩnh vực được đánh giá dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây các cơn bão có diễn biến khá bất thường, gia tăng cả về số lượng và cường độ bão, đặc biệt là việc xuất hiện nhiều hơn những cơn “siêu bão” gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân đánh bắt trên biển, tàn phá các cơ sở nuôi trồng thủy sản, tàn phá hệ thống đê điều, gây thiệt hại về nhà của, công trình, cây trái và mùa màng, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng và miền Trung.

Ảnh minh hoạ: Duy Khương/TTXVN
Ảnh minh hoạ: Duy Khương/TTXVN

Trên hệ thống đê sông Hồng ở Bắc Bộ và sông Cửu Long ở Nam Bộ thường xuyên bị lũ đe dọa, gây ngập lụt hàng triệu hecta đất canh tác, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân.

Theo nhận xét của phó giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Văn Viết, Ban quản lý Dự án tăng cường năng lực ứng phó với Biến đổi khí hậu, hợp phần Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (CBCC-MARD), các số liệu tổng kết đã chỉ ra rằng, mưa bão gây ra ngập lụt cho các cây lương thực chủ yếu là cây lúa ở các tỉnh miền Trung. Bình quân mỗi năm nơi đây có 12 vạn ha lúa bị úng ngập, trong đó có trên 3,6 vạn ha bị mất trắng, 7 vạn ha bị ảnh hưởng và có trên 6,2 vạn ha hoa màu bị ngập.

Bên cạnh đó, hạn hán cũng là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại cho nông nghiệp, nhất là các tỉnh Bắc Trung Bộ có vụ Hè Thu thường bị khô hạn do ảnh hưởng của gió Tây khô nóng.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Viết khẳng định với kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đến năm 2100 nếu nước biển dâng cao 1m vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với 40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng. Như vậy, Việt Nam sẽ có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng vào năm 2100 bởi đã mất đi 21,39% sản lượng lúa cả nước.

Kết quả phân tích mô hình cây trồng của Viện Môi trường Nông nghiệp cho thấy, biến đổi khí hậu có khả năng làm giảm năng suất của một số cây trồng chính. Cụ thể năng suất lúa Xuân sẽ giảm đi 405,8kg/ha do tác động biến đổi khí hậu vào năm 2030 và 716,6 kg/ha vào năm 2050. Vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên sẽ là vùng có năng suất lúa Đông Xuân giảm mạnh.

Nếu diễn biến khí hậu đúng theo kịch bản, sản lượng lúa vụ Xuân có nguy cơ giảm khoảng 1,2 triệu tấn vào năm 2030 và 2,16 triệu tấn vào năm 2050.

Năng suất lúa Hè Thu cũng suy giảm nhưng ở mức độ nhẹ hơn so với lúa Xuân. Theo tính toán, năng suất lúa Hè Thu sẽ giảm khoảng 429kg/ha vào năm 2030 và 795kg/ha vào năm 2050. Kết quả này dẫn đến giảm sản lượng 743,8 tấn lúa vào năm 2030 và 1.475 tấn vào năm 2050. Năng suất và diện tích lúa Hè Thu giảm nhất là tại các vùng miền núi Tây Bắc và Tây Nguyên, do các vùng này sẽ bị thiếu nước trầm trọng cho sản xuất lúa nước.

Ngô là cây lương thực quan trọng đối với nông nghiệp Việt Nam. Song dựa theo kịch bản về Biến đổi khí hậu cho thấy khả năng năng suất ngô có nguy cơ giảm 444,5kg/ha vào năm 2030 và 781,9kg/ha vào năm 2050, nếu không có các giải pháp cải thiện về giống, biện pháp canh tác hoặc điều kiện sản xuất. Kết quả ước tính sản lượng ngô có nguy cơ giảm hơn 500.000 tấn vào năm 2030, giảm trên 880.000 tấn vào năm 2050.

Dự báo khả năng suy giảm tiềm năng năng suất đậu tương không cao nhưng lại giảm mạnh vào vùng thâm canh lớn. Kết quả cho thấy, năng suất đậu tương có nguy cơ giảm 83,47kg/ha vào năm 2030 và 214,81kg/ha vào năm 2050 do tác động của biến đổi khí hậu.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Viết cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu được biểu hiện qua thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, tức là giảm phát thải khí nhà kính. Một số phương án giảm phát thải khí nhà kính tiềm năng như quản lý tưới tiêu nước ruộng lúa, cải tiến thức ăn chăn nuôi, sử dụng khí sinh học, cải tạo vào nuôi dưỡng rừng… được coi là phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, thúc đẩy sản xuất, đem lại lợi ích kinh tế và môi trường cho người nông dân.

Cụ thể là trong kỹ thuật tưới tiêu nước cho lúa, thời kỳ mạ, giai đoạn cuối đẻ nhánh và sau trỗ 15-20 ngày là lúc yêu cầu nước của cây lúa thấp nhất nên có thể rút cạn nước, giữ ẩm. Biện pháp này có thể làm giảm phát thải methane (CH4) từ 25-30%, đồng thời tăng năng suất lúa 3-5%. Như vậy, nếu hàng năm thực hiện phương án tưới, điều tiết nước ruộng lúa sẽ có thể làm giảm được lượng phát thải khí nhà kính là 65,3kg/ha/năm CH4 canh tác hai vụ lúa.

Trong kỹ thuật chăn nuôi trâu bò, việc cung cấp thức ăn bổ sung sẽ làm tăng sản lượng thịt và sữa. Bánh MUB là loại bánh sản xuất bằng phụ phẩm nông nghiệp, vitamin… được chế biến xử lý làm thức ăn cho gia súc là tăng khả năng hấp thụ thức ăn, nâng cao sản lượng sữa và thịt. Để đạt được một sản lượng nào đó, do việc tăng sản lượng sữa mà số lượng trâu, bò cần phải nuôi sẽ giảm. Mức giảm phát thải khí nhà kính tương ứng với việc tăng sản lượng sữa sẽ đạt khoảng 83kg CH4/con/năm.

Xây dựng các bể biogas xử lý phế thải chăn nuôi sinh ra khí methane, dùng làm nhiên liệu đun nấu thay thế chất đốt ở vùng nông thôn là phương án có nhiều triển vọng thực hiện ở Việt Nam. Với lượng phân thải của bốn con lợn, hoặc hai con lợn và một con trâu (hoặc bò) là có đủ nguồn phân cung cấp cho một bể biogas với dung tích 5-7m3, đủ cung cấp chất đốt cho một hộ nông dân sử dụng.

Thông qua việc xử lý phân-rác thải bằng công nghệ sinh hoạc đã tiết kiệm được nguồn nhiên liệu (chất đốt), tiết kiệm lượng điện cung cấp cho chăn nuôi và góp phần tích cực vào việc làm giảm phát thải khí nhà kính. Bể Biogas còn hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn và sự phát thải gián tiếp khó kiểm soát của các chất thải.

Đặc biệt là việc tăng cường cải tạo và nuôi dưỡng rừng hàng năm sẽ giúp sinh khối rừng có thể tăng 5-10%/năm. Như vậy, bể hấp thụ cácbon đã tăng lên 5-10%. Cải tạo và nuôi dưỡng rừng cũng là biện pháp quản lý tốt tài nguyên đất rừng, đồng thời tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân miền núi, cải thiện đời sống dân sinh.