Thủy điện Mê Kông đe dọa cá heo quý

ThienNhien.Net – Các nhà hoạt động môi trường yêu cầu chấm dứt các dự án thủy điện dọc sông Mê Kông.

Tuyên bố của WWF nêu rõ nếu đập thủy điện này được xây, nó sẽ nằm không xa nơi sống ưa thích của cá heo Irrawaddy quý hiếm. Campuchia ước tính chỉ còn khoảng 85 con cá heo Irrawaddy, sống trên đoạn sông dài 190 km nằm giữa miền Đông Bắc nước này và miền Nam nước Lào.

Cá heo Irrawaddy có nguy cơ bị đập thủy điện tận diệt (Ảnh: WWF)
Cá heo Irrawaddy có nguy cơ bị đập thủy điện tận diệt (Ảnh: WWF)

Theo các nhà bảo tồn, đập thủy điện nói trên sẽ hạn chế dòng cá bơi từ thượng nguồn xuống hạ nguồn, ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm chính dành cho cá heo. “Nếu đập Don Sahong được xây, nó sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng của cá heo Irrawaddy. Cá heo đóng vai trò rất quan trọng ở Campuchia. Chúng thu hút du khách và là báu vật của quốc gia” – ông Chhith Sam Ath, Giám đốc WWF tại Campuchia, nói.

Vào tháng 9-2013, chính phủ Lào thông báo quyết định tiến hành dự án đập Don Sahong mà không tuân theo quy trình tham vấn với Ủy ban sông Mê Kông (MRC). Công trình dự kiến được khởi công trong thời gian tới và hoàn tất vào đầu năm 2018.

Không dừng lại ở dự án Don Sahong, các nhà hoạt động môi trường hôm 19-2 yêu cầu chấm dứt mọi dự án đập thủy điện dọc theo sông Mê Kông. Phát biểu tại diễn đàn về dự án Don Sahong ở Bangkok – Thái Lan, họ lo ngại đời sống người dân trên và ven sông cũng như môi trường sẽ tồi tệ hơn, nhất là tại Lào.

Ông Itthipol Kamsuk, điều phối viên người Thái Lan của Mạng Cộng đồng Đông Bắc thuộc lưu vực sông Mê Kông (ComNet Mê Kông), thúc giục: “Các chính phủ phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn những dự án đập thủy điện trên sông Mê Kông”.

Ngoài dự án Don Sahong, chính phủ Lào còn chấp thuận xây đập Xayaburi trên sông Mê Kông và khoảng 21% dự án này đã hoàn tất.

Báo Bangkok Post dẫn lời bà Lâm Thị Thu Sửu, điều phối viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho biết các đập thủy điện trên sông Mê Kông đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa chính ở Việt Nam. “Điều quan trọng là chính phủ các nước cần tuân thủ Hiệp định Mê Kông 1995 nhằm bảo vệ và giữ gìn con sông quốc tế này” – bà Sửu nhấn mạnh.