“Xử lý ô nhiễm cần sự tham gia của cộng đồng dân cư”

ThienNhien.Net – Chỉ ra những hạn chế yếu kém liên quan đến công tác quản lý môi trường, ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường đang được cụ thể hóa, song nhiều vấn đề về xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường trong thực tiễn vẫn còn vướng mắc.

Phát biểu tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Luật bảo vệ môi trường, do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức sáng nay (18/2), ông Tuấn khẳng định, hiện tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn rất nhức nhối.

Điển hình như năm 2013, hàng loạt doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, phần lớn các vụ việc này, thông tin là do người dân cung cấp. Điều này cho thấy, người dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống lại các hành vi gây hại môi trường.

“Chính vì vậy, để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường, Luật Bảo vệ môi trường cần quan tâm tới sự tham gia của người dân địa phương. Trong thời gian qua, nhiều ý kiến cũng đề nghị quy định chi tiết các hành vi vi phạm, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với mọi chủ thể theo hướng xử lý trực tiếp, kịp thời và nghiêm minh,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối (Ảnh: TTXVN)
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối (Ảnh: TTXVN)

Cùng với đó, ông Tuấn cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định chi tiết, rõ ràng cụ thể hơn các nguyên tắc xác định thiệt hại của tổ chức, cá nhân do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường; quy định cụ thể các đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiêt hại về môi trường; các đối tượng, phạm vi phải mu phí bảo hiểm thiệt hại về môi trường…

Ở góc độ quốc tế, ông Bakhodir Burkanov, Phó Giám đốc UNDP Việt Nam nhận định, với cách quản lý hiện nay, nhiều khả năng Việt Nam sẽ không đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ thứ 7 về môi trường, đặc biệt là ở lĩnh vực cung cấp nước sạch, cải thiện điều kiện vệ sinh, đa dạng sinh học.

Theo Bakhodir Burkanov, để quản lý môi trường, Luật Bảo vệ môi trường phải bảo đảm được tính nhất quán và hài hòa trong quản lý nhà nước và kế hoạch phát triển quốc gia. Bảo vệ môi trường đất nước, đa dạng sinh học, khoáng sản, tài nguyên biển và ven biển cần phải được lồng ghép hài hòa vào quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch quốc phòng.

“Trong khi dự thảo luật ghi nhận quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ môi trường, Luật cũng nên tạo điều kiện cho các cá nhân và tổ chức của người dân tham gia vào việc giám sát các vụ ô nhiễm môi trường, xây dựng cũng như thông qua các công cụ đánh giá ảnh hưởng môi trường”, Ông Bakhodir Burkanov đề xuất.

Cũng theo ông Bakhodir Burkanov, các nhà làm luật cần xem xét việc áp dụng những cơ chế giám sát mới nhằm nâng cao việc giám sát thi hành Luật bảo vệ môi trường. Cơ chế này bao gồm cả thị sát thường xuyên lẫn kiểm tra đột xuất cơ sở để kịp thời đánh giá tình hình thực tế và phát hiện những vấn đề có nguy cơ xảy ra.

“Đặc biệt, Luật cần cho phép sự tham gia một cánh hiệu của của truyền thông và người dân địa phương cũng như bảo đảm thông tin cởi mở và minh bạch liên quan đến thi hành luật và giám sát thi hành luật,” ông Bakhodir Burkanov khuyến nghị.

Với kinh nghiệm giải quyết tranh chấp môi trường, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Indonexia bà Masnellyarti Hilman chia sẻ, tại Indonexia, mọi tranh chấp về môi trường đều có thể được giải quyết thông qua tòa án hoặc ngoài tòa án.

Theo đó, tất cả mọi người dân Indonexia đều có thể nộp đơn kiện chống lại bất kỳ quyết định quản lý nhà nước nào trong hợp hợp như: Cơ quan hoặc cán bộ hành chính nhà nước cấp giấy phép môi trường cho hoạt động thương mại, hoặc hoạt động khác bắt buộc phải có đánh giá ảnh hưởng môi trường; cấp giấy phéo kinh doanh, hoặc thực hiện hoạt động không có giấy phép nôi trường…

“Luật Indonexia cũng quy định tất cả mọi người có hoạt động, kinh doanh, quản lý chất thải gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn các thiệt hại phát sinh mà không cần thiết phải biện hộ về bản chất của sai lầm,” bà Masnellyarti Hilman nhấn mạnh.

Về vấn đề quản lý môi trường, xử lý ô nhiễm tại Việt Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Indonexia cho rằng để giải bài toán tranh chấp về môi trường hiệu quả, Việt Nam cần cần phải giám sát môi trường định kỳ; quy định bồi thường ô nhiễm môi trường, hoặc định giá thiệt hại môi trường đồng thời cần có dữ liệu hình ảnh vệ tinh, khí tượng, khí hậu và dữ liệu địa lý…

Taị hội thảo các đại biểu tham dự cũng tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến quy hoạch môi trường; bảo vệ môi trường trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu; công ước quốc tế liên quan đến chất thải, rác thải và hóa chất độc hại..