Tập trung hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

ThienNhien.Net – Xác định nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng, Tổng cục cần tập trung xây dựng Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đồng thời xây dựng Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển của cả nước. Trong đó triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ XII. Dự thảo Luật được xây dựng trên nguyên tắc đạt được 6 mục tiêu chính.

Đó là thể chế hóa quan điểm, đường lối, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, thực hiện quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất đối với biển, hải đảo thành những quy định rõ ràng, cụ thể, có tính khả thi cao; cụ thể hóa quy định các điều ước quốc tế liên quan đến khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về biển, hải đảo, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên môi trường biển của cộng đồng, xã hội; góp phần hoàn thiện khung pháp lý quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường biển. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu ngăn ngừa và xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường biển.

Để đạt được 6 mục tiêu trên, Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo xác định sẽ xây dựng luật khung, không thay thế các luật chuyên ngành mà đóng vai trò kết nối, điều chỉnh hành vi phát triển trên cơ sở hài hòa lợi ích các ngành, thúc đẩy lĩnh vực kinh tế biển phát triển bền vững.

Ảnh: Nguyễn Việt Dũng/PanNature
Ảnh: Nguyễn Việt Dũng/PanNature

Dự thảo Luật này dự kiến bố cục thành 9 chương trong đó nhấn mạnh những quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, vấn đề sở hữu tài nguyên biển, hải đảo, nội dung, nguyên tắc chính sách của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng biển, hải đảo; quy định quản lý hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản tài nguyên biển…

Đặc biệt, việc xây dựng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cần lấy quản lý điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển là nội dung đặc biệt quan trọng, đồng thời dành một chương trong Luật để quy định cụ thể, rõ ràng. Đây là căn cứ để xác định quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển hợp lý, bền vững, qua đó đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý thông tin, dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên biển.

Để đạt được tiến độ như kế hoạch đề ra, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần nhanh chóng mở các diễn đàn thảo luận việc xây dựng luật với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, hoàn thiện Dự thảo Luật đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đã thành lập Tổ công tác xây dựng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Ngoài việc rà soát, dự kiến những nội dung của từng điều, Dự thảo lần này đã bổ sung một số nội dung quan trọng, như giao cho thuê khu vực biển, quản lý đảo không có dân cư sinh sống, đánh giá tác động môi trường tổng hợp đối với dự án, công trình sử dụng biển; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển, phục hồi môi trường biển và hải đảo; nhận chìm, đổ thải ở biển. Đưa vào luật nội dung nghiên cứu khoa học về quản lý tổng hợp, thống nhất biển và hải đảo, nhằm cụ thể hóa những chính sách ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phục vụ triển khai phương thức quản lý tổng hợp biển, đảo.

Để tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về cơ sở thực tiễn các nội dung Dự thảo Luật tại các địa phương, thời gian tới, Tổng cục sẽ tập trung vào các vấn đề như nhu cầu về thông tin, dữ liệu cho công tác quản lý biển, đảo của các địa phương ven biển; kiểm soát môi trường, tăng cường năng lực quản lý các cấp và một số vấn đề khác. Đồng thời đề xuất đi khảo sát, học tập kinh nghiệp xây dựng luật tại Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như tìm kiếm nguồn kinh phí để xây dựng luật.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển: Những vấn đề mà Tổ xây dựng Luật đề xuất cần bổ sung vào Dự thảo đều là những vấn đề quan trọng, song cần tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam, cũng như phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất biển, đảo mà chúng ta đang thực hiện.

Việc học tập cách thức xây dựng một bộ luật quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ở các nước là rất cần thiết, song phải biết chọn lựa, áp dụng xây dựng Dự thảo Luật xuất phát từ thực tiễn, có khảo sát đánh giá và nghiên cứu kỹ trước khi được đề xuất.