Khỉ bonobo – loài ươm mầm cho những cánh rừng Congo

ThienNhien.Net – Sự tồn tại đa dạng của một thảm thực vật rừng không phải chỉ cần bàn tay gìn giữ, bảo vệ của con người mà còn phụ thuộc vào sự tồn tại của các loài sinh vật khác. Câu chuyện về khỉ bonobo (Pan paniscus) – loài ươm mầm cho các hệ sinh thái rừng Congo – là một ví dụ đã được kiểm chứng trong một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Tropical Ecology.

Một cá thể khỉ “ươm” 12 triệu cây rừng

Cũng giống như voi rừng châu Phi, dơi, chim, loài gặm nhấm hay các loài linh trưởng khác, khỉ bonobo đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng số lượng và tính đa dạng của các thảm thực vật rừng bằng cách giúp cây rừng phát tán hạt giống đi khắp nơi. Chỉ có điều, với những cánh rừng nhiệt đới Congo, vai trò của loài này được đánh giá cao hơn.

Những hạt cây do khỉ bonobo phát tán đạt tỷ lệ nảy mầm lên tới 97% (Ảnh: David Beaune)
Những hạt cây do khỉ bonobo phát tán đạt tỷ lệ nảy mầm lên tới 97% (Ảnh: David Beaune)

Là một loài ăn trái, khỉ bonobo thường sử dụng 3,5 tiếng đồng hồ/ngày để ăn trái. Chúng ăn trái của hơn 91 loài thực vật rồi phát tán hạt cây đến bất cứ nơi nào có dấu chân của mình. Nhờ phạm vi cư trú rộng, khỉ bonobo có thể đưa hạt giống đi xa tới 4,5 cây số. Trung bình một cá thể khỉ có khả năng phát tán khoảng 12 triệu hạt cây, không kể những hạt có kích cỡ dưới 2 mm.

Đa số hạt đã đi qua ruột có nhiều cơ may sống sót hơn các hạt còn lại. Đặc biệt, hạt cây do loài khỉ bonobo phát tán thường nảy mầm nhanh hơn với tỷ lệ cao hơn hạt được phát tán từ các loài khác. Ngoài ra, hạt do khỉ bonobo phát tán sau khi đã đi qua ruột có nhiều cơ may thoát khỏi kẻ thù của chúng là các động vật ăn hạt hơn vì phân khỉ bonobo chỉ hấp dẫn các loài bọ cánh cứng ăn phân mà thôi.

Sau gần 2 năm nghiên cứu, tìm hiểu hành vi và thói quen ăn uống của khỉ bonobo, nhóm nghiên cứu do Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck (Đức) dẫn đầu đã phát hiện ra rằng đây là loài ăn trái lớn thứ hai, chỉ sau voi rừng châu Phi. Quan trọng hơn là những hạt cây do loài này phát tán đạt tỷ lệ nảy mầm lên tới 97%.

Riêng với những loài như xoay (Dialium indum), khỉ bonobo được coi là một nhân tố kích hoạt nảy mầm. Nhóm nghiên cứu ước tính, 65% số cây sống trong một cánh rừng Congo đều nhờ công phát tán của chúng. Đa phần các loài cây này không thể “sinh” thêm hoặc tự thay thế nếu hạt cây không được phát tán.

“Nếu khỉ bonobo biến mất khỏi rừng, chắc chắn sẽ có nhiều loài thực vật bị ảnh hưởng theo, nhất là những loài không có khả năng tự tái sinh” – ông David Beaune thuộc Viện Max Planck, trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định.

Cứu khỉ là cứu rừng châu Phi

Khỉ bonobo vốn là loài đặc hữu của Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Chúng sống tập trung trong phạm vi khoảng 500.000 km2 rừng phía nam sông Congo. Tuy nhiên, vài thập kỷ gần đây, số lượng loài này đã giảm sút một cách nhanh chóng do nạn phá rừng và săn bắt thú lấy thịt.

Từ năm 1990, rừng Congo mất tới hơn 6 triệu héc-ta, tỷ lệ mất rừng trung bình luôn ở mức báo động – 311.000 ha/năm, thu hẹp đáng kể môi trường sống của khỉ bonobo và các loài động, thực vật khác. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng thịt thú rừng tại châu Phi càng đẩy nhanh sự suy giảm của các quần thể khỉ bonobo, khiến chúng bị xếp vào hàng ngũ loài Nguy cấp (EN) trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Và theo logic trên thì các loài thực vật không thể tự tái sinh cũng sẽ phải đối mặt với nhiều mối nguy cơ hơn.

“Giải pháp hiệu quả cho tình trạng này là đẩy lùi tham nhũng, kiên quyết trừng phạt tội phạm săn trộm và nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt là với đối tượng trẻ em” – ông David Beaune khuyến nghị.

Người dân cũng hoàn toàn có thể tham gia bảo vệ rừng bằng cách xây dựng thói quen mua các sản phẩm gỗ có chứng nhận sinh thái, vì như vậy nghĩa là bạn đã nhận thức được tác động đối với môi trường cũng như hệ sinh thái từ hành vi của mình và đang từng bước thay đổi hành vi của mình theo hướng tích cực hơn – ông chia sẻ thêm.