Chính sách phát triển rừng Tây Bắc chưa đủ mạnh

ThienNhien.Net – Vùng Tây Bắc có rất nhiều lợi thế để phát triển lâm nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn lợi từ rừng đem lại vẫn chưa đủ giúp người trồng rừng thoát nghèo. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn về những giải pháp giúp người dân Tây Bắc làm giàu từ nghề rừng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn (Ảnh: Báo Tin Tức)
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn (Ảnh: Báo Tin Tức)

Thưa Thứ trưởng, vùng Tây Bắc được đánh giá là có lợi thế để phát triển lâm nghiệp. Thứ trưởng có thể cho biết rõ hơn những lợi thế này là gì?

Theo tôi, vùng này có khá nhiều lợi thế để phát triển lâm nghiệp. Cụ thể, toàn vùng hiện có khoảng 1,7 triệu ha rừng và khả năng diện tích rừng có thể tăng lên tới trên 2 triệu ha. Tây Bắc cũng được xác định là vùng có tiềm năng phát triển thủy điện lớn nhất cả nước, mà rừng lại là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo sinh thủy phát triển thủy điện một cách bền vững. Đây cũng là vùng có diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn quan trọng bậc nhất Việt Nam, là mái nhà che và đảm bảo an toàn sinh thái cho không chỉ nội vùng 3,7 triệu ha của vùng Tây Bắc mà cho cả vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Do vậy, muốn làm gì thì chúng ta cũng phải giữ cho được rừng Tây Bắc để rừng khu vực này thực hiện đúng chức năng phòng hộ.

Lợi thế thứ hai là rừng Tây Bắc có sự đa dạng, phong phú về loài, cây; là vùng có tính bảo tồn loài và đa dạng cao gần như bậc nhất ở Việt Nam. Nhiều loài lâm sản ngoài gỗ cũng là thế mạnh của vùng, như cây dược liệu, cây phục vụ cho chế biến mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, lâm nghiệp Tây Bắc có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc nơi đây từ hàng nghìn đời nay. Nếu mất rừng, văn hóa vùng Tây Bắc cũng bị mất theo.

Thứ trưởng có thể cho biết thêm thực trạng ngành lâm nghiệp Tây Bắc hiện nay?

Diện tích rừng Tây Bắc có sự biến đổi qua các năm theo từng thời kỳ. Đến nay, cùng với sự phục hồi và phát triển chung của cả nước, diện tích rừng vùng Tây Bắc cũng tăng lên trong những năm qua, nâng độ che phủ rừng từ 41% năm 2008 lên 44,7% hiện nay; từng bước góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao.

Theo thống kê của chúng tôi, đến 31/12/2013, các tỉnh Tây Bắc đã trồng được 13.200 ha rừng tập trung; trong đó, rừng đặc dụng, phòng hộ là trên 1.000 ha, rừng sản xuất trên 12.000 ha. Toàn vùng cũng đã khoán bảo vệ được trên 900.000 ha rừng, gấp gần 2 lần kế hoạch năm.

Trong 6 năm qua, việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã nhận được sự ủng hộ tích cực của chính quyền và người dân nơi đây. Các hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng cũng có thêm nguồn thu, giúp tăng cường hiệu quả của công tác bảo vệ rừng. Năm 2013, các tỉnh Tây Bắc đã thu được 308,4 tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng; dự kiến số thu của năm 2014 cũng tương đương năm qua.

Mặc dù có lợi thế là vậy, nhưng thực tế, nguồn lợi mà rừng đem lại vẫn chưa đủ để người trồng rừng Tây Bắc thoát nghèo. Theo Thứ trưởng, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

Theo tôi, tình trạng trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về khách quan, vùng Tây Bắc có địa hình phức tạp, chia cắt, độ dốc cao, nhiều tiểu vùng sinh thái và xa trung tâm phát triển. Đây cũng là vùng kém phát triển nhất về kinh tế, cơ sở hạ tầng: đường bộ kém phát triển, đường sắt không có, đường thủy hạn chế. Chính điều này khiến vùng Tây Bắc tách biệt với thị trường, đặc biệt là thị trường tiêu thụ lâm sản. Xấp xỉ 90% diện tích rừng Tây Bắc là rừng tự nhiên, trong đó chủ yếu là rừng nghèo, không có nguồn thu. Trong khi đó, trình độ nhận thức, việc tiếp thu khoa học công nghệ của người dân vào sản xuất còn hạn chế.

Về nguyên nhân chủ quan, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh tạo động lực lớn để ngành lâm nghiệp Tây Bắc phát triển. Tôi muốn nói thêm rằng, chúng ta cũng chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến lâm sản ngay tại địa bàn vùng Tây Bắc. Năm 2013, cả vùng Tây Bắc chỉ trồng được trên 12.000 ha rừng sản xuất, tương đương với diện tích rừng sản xuất của tỉnh Bắc Kạn được trồng trong năm qua. Trong khi đó, động lực tạo thị trường tiêu thụ lâm sản cũng chưa có. Các nhà đầu tư ngại xây dựng nhà máy chế biến tại đây do giao thông đi lại khó khăn. Mức đầu tư cho phát triển lâm nghiệp của vùng còn ở mức thấp, trong đó kinh phí đầu tư cho quản lý, bảo vệ rừng rất ít; còn đầu tư trồng rừng từ doanh nghiệp không có.

Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp Tây Bắc cho đến nay cũng chưa xác định được cây ưu thế có thể đứng vững cả về mặt kinh tế, sinh thái. Đã thế, Tây Bắc cũng chưa có đầu tàu phát triển kinh tế lâm nghiệp. Nhiều tỉnh khác đã xác định được đầu tàu trong phát triển kinh tế lâm nghiệp: Ở Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, đầu tàu là hộ gia đình trồng rừng; ở Quảng Bình là các doanh nghiệp lâm nghiệp; trong khi đó, Tây Bắc chưa xác định được đầu tàu trong lĩnh vực này.

Những giải pháp nhằm đưa ngành lâm nghiệp Tây Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng trong thời gian tới là gì, thưa Thứ trưởng?

Giải pháp đầu tiên chính là triển khai đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đối với vùng Tây Bắc. Cụ thể, toàn vùng sẽ xây dựng và củng cố các khu rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng và rừng sản xuất là rừng tự nhiên nằm trong lưu vực của bậc thang thủy điện để tăng hiệu quả phòng hộ và tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư địa phương hưởng lợi nhiều hơn từ phí dịch vụ môi trường rừng. Các tỉnh cũng sẽ tiếp tục trồng rừng phòng hộ ở các khu vực có nguy cơ bị xói mòn cao. Về quy hoạch chế biến gỗ, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, toàn vùng sẽ đạt 10.000 m3 sản phẩm ván dăm/năm; ván sợi là 150.000 m3/năm; gỗ ghép thanh là 50.000 m3/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa là 100.000 m3 sản phẩm/năm. Sẽ có các nhà máy chế biến ván sợi được xây dựng tại Hòa Bình.

Bên cạnh đó, vùng sẽ tăng cường thu phí dịch vụ môi trường rừng của các cơ sở du lịch sinh thái, doanh nghiệp thủy điện, nước sạch. Nguồn thu này sẽ được đầu tư trở lại cho công tác bảo vệ, quản lý và phát triển rừng. Các tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường lâm sản; thực hiện đổi mới trong quản lý, lưu thông hàng hóa lâm sản đảm bảo nguồn gốc hợp pháp; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo hài hòa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng.

Một giải pháp nữa cần được các tỉnh chú trọng triển khai trong thời gian tới là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản ngay tại địa bàn Tây Bắc bằng cách giảm thuế, giảm tiền thuê đất, giảm giá điện cho doanh nghiệp.

Toàn vùng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng; thay đổi tập quán kinh doanh sản xuất lâm nghiệp từ quảng canh sang thâm canh, kết hợp sản xuất gỗ nhỏ và gỗ lớn.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!