Hoàn thiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp

ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Công Thương hoàn thiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2/2014.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương cần rà soát, làm rõ các giải pháp thực hiện, bổ sung các tiêu chí cụ thể đối với các dự án đầu tư, các nhà máy sản xuất các sản phẩm ưu tiên.

Đồng thời xác định rõ mốc thời gian các ngành công nghiệp Việt Nam đáp ứng được các mục tiêu của Quy hoạch, yêu cầu của thị trường trong nước, có tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ảnh minh họa: doanhnghieptrunguong.vn
Ảnh minh họa: doanhnghieptrunguong.vn

Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, năng lực sản xuất của ngành công nghiệp nước ta còn nhỏ bé, lạc hậu, cả về số lượng xí nghiệp (200 xí nghiệp công nghiệp chủ yếu là khai thác, sửa chữa, một số cơ sở cá thể nhỏ lẻ, chủ yếu người nông dân coi là nghề phụ).

Ngành Công nghiệp chỉ thực sự phát triển từ năm 1991 đến năm 2008. Trong thời kỳ này, giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tục, với tốc độ cao (hai chữ số), được coi là thời kỳ phát triển nhanh và ổn định.

Những năm gần đây, trong GDP của toàn bộ nền kinh tế, nhóm ngành công nghiệp và xây dựng đã chiếm vị trí ngày càng quan trọng. Tốc độ tăng GDP do nhóm ngành này tạo ra năm 2012 so với năm 1990 cao gấp trên 7,1 lần, tăng 9,34%/năm, cao hơn nhiều so với tổng GDP trong thời gian tương ứng (4,3 lần và 6,84%/năm). Tỷ trọng công nghiệp-xây dựng trong GDP đã tăng từ 22,67% năm 1990 lên 38,63% năm 2012. Công nghiệp đã trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng từ năm 2009 đến nay, tăng trưởng công nghiệp đã chậm lại. Giá trị sản xuất thời kỳ 2009-2012 chỉ tăng 8,36%/năm.

Do đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đòi hỏi ngành Công nghiệp cần nhanh chóng giảm tính gia công; đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, đổi mới thiết bị kỹ thuật-công nghệ, đưa công nghiệp về nông thôn để chế biến nông-lâm-thuỷ sản, làm tăng giá trị gia tăng, bảo vệ và cải thiện môi trường…