Giám sát chặt hoạt động xuất nhập khẩu gỗ

ThienNhien.Net – Cục Điều tra chống buôn lậu vừa có công văn yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất.

Thời gian gần đây, Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng gỗ với phương thức, thủ đoạn làm giả hồ sơ, chứng từ của cơ quan chức năng trong nước và nước ngoài để nhập khẩu gỗ trái phép.

Đặc biệt, qua điều tra, xác minh cơ quan Hải quan phát hiện một số đối tượng lợi dụng làm thủ tục xuất nhập khẩu gỗ nằm trong phụ lục I và II của Công ước CITES nhưng khai báo là gỗ nhóm khác không thuộc danh mục CITES hoặc gửi vào kho ngoại quan để không phải xin phép CITES hoặc vận chuyển trái phép qua biên giới, đặc biệt tại một số địa bàn biên giới tiếp giáp với Lào, Campuchia, Trung Quốc…

Ảnh minh họa: vccinews.vn
Ảnh minh họa: vccinews.vn

Trước tình hình trên, Cục Điều tra chống buôn lậu yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động xuất nhập khẩu có liên quan đến mặt hàng gỗ, tạm nhập tái xuất mặt hàng gỗ. Trong trường hợp cần thiết phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu để xác minh nước ngoài hoặc trưng cầu giám định làm rõ vi phạm.

Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora – CITES) là bản hiệp ước giữa các quốc gia thành viên về việc kiểm soát việc buôn bán, trao đổi các loài động thực vật hoang dã để tránh tình trạng khai thác quá mức dẫn đến tình trạng tuyệt chủng. CITES bao gồm khoảng 5.000 loài động vật và 25.000 loài thực vật, chia làm 3 phụ lục: Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora – CITES) là bản hiệp ước giữa các quốc gia thành viên về việc kiểm soát việc buôn bán, trao đổi các loài động thực vật hoang dã để tránh tình trạng khai thác quá mức dẫn đến tình trạng tuyệt chủng. CITES bao gồm khoảng 5.000 loài động vật và 25.000 loài thực vật, chia làm 3 phụ lục:Phụ lục I: bao gồm những loài bị nguy cấp bị đe doạ tuyệt chủng. Việc buôn bán, trao đổi những loài trong phụ lục này cần phải có cả Giấy phép Xuất khẩu và Giấy phép Nhập khẩu cấp bởi Cơ quan quản lý CITES của nước xuất khẩu và nước nhập khẩu.

Phụ lục II: bao gồm tất cả những loài mặc dù hiện chưa bị nguy cấp nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng nếu không khai thác hợp lý. Việc buôn bán những loài này giữa các quốc gia cần có Giấy phép Xuất khẩu do Cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp.

Phụ lục III: bao gồm tất cả các loài mà mỗi nước thành viên quy định theo luật pháp của họ nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế việc khai thác và cần thiết phải có sự hợp tác với các nước thành viên khác để kiểm soát việc buôn bán. Việc buôn bán những loài này cần có Giấy phép Xuất khẩu do Cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp.