Nước thải công nghiệp vô tư xả ra môi trường

ThienNhien.Net – Sau nhiều năm triển khai mô hình khu – cụm công nghiệp, Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng 107 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, mới chỉ có 7 cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động. Con số này quá thấp so với yêu cầu của HĐND TP Hà Nội.

Con số thống kê mới nhất cho biết, đến ngày 30-11-2013, Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng 107 cụm công nghiệp (47 cụm công nghiệp và 60 cụm trung tâm công nghiệp) tại 21 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích quy hoạch 3.192,9 ha, thu hút 3.776 dự án; sử dụng 63.926 lao động.

Trong 42 cụm công nghiệp cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và đã đi vào hoạt động, đến nay, mới có 7/42 cụm đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung đi vào hoạt động, chiếm 16,7%. Con số này cách quá xa so với chỉ tiêu 50% số cụm công nghiệp phải có hệ thống XLNT đi vào hoạt động.

Trong 41 cụm công nghiệp đang xây dựng và thu hút đầu tư, hiện nay, mới có 9/41 cụm đang triển khai xây dựng hệ thống XLNT tập trung, chiếm tỷ lệ 22%. Trong khi đó, yêu cầu của HĐND TP lên tới 100%.

Nhiều cụm công nghiệp cố tình “quên” việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải
Nhiều cụm công nghiệp cố tình “quên” việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải

Phân tích, làm rõ nguyên nhân khiến tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống XLNT tập trung đạt quá thấp, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, các dự án xây dựng cụm công nghiệp đa số thiếu quỹ đất dành cho hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung. Rà soát của ngành chức năng cho thấy, chỉ có 29% số cụm công nghiệp có quỹ đất để triển khai xây dựng hệ thống XLNT!

Đáng nói là giá cho thuê lại đất của các đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp chưa tính đến phần thu hạng mục XLNT. Do đó, hiện nay, không có căn cứ để thu tiếp phần đóng góp của các doanh nghiệp thuê đất trong cụm công nghiệp cho hạng mục này. Ngoài ra, có tới 73 cụm công nghiệp do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư nên sau khi giao đất cho thuê, các cụm này rơi vào tình trạng không có đơn vị thực hiện và quản lý sau đầu tư.

UBND TP cũng thừa nhận, do 95,3% số cụm công nghiệp được thành lập trước khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội (ngày 1-8-2008) nên trong công tác quy hoạch, lập dự án đầu tư và triển khai thực hiện của các đơn vị kinh doanh hạ tầng và quản lý Nhà nước còn chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, việc triển khai, thực hiện Đề án kiện toàn Tổ chức phát triển cụm công nghiệp cấp huyện chậm. Hiện mới có 6 huyện được thành lập Trung tâm phát triển cụm công nghiệp, nên việc đầu tư, quản lý sau đầu tư cũng như triển khai các cơ chế chính sách, các chương trình, quyết định của TP về đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chưa tập trung triển khai được.

Chỉ rõ trách nhiệm việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp thuộc trách nhiệm chủ đầu tư, song UBND TP Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường tại các cụm công nghiệp của các cơ quan chức năng còn hạn chế.

UBND TP đã giao các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai “Đề án đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2014-2015” với nhiều giải pháp mạnh. Trách nhiệm thực hiện và nguồn vốn đầu tư cũng đã được làm rõ, không để tái diễn tình trạng “cha chung không ai khóc” như nhiều năm qua.