TP. HCM hạn chế khai thác nước ngầm để chống ngập triều cường

ThienNhien.Net – Hệ thống những mạch nước ngầm giống như “miếng đệm” đỡ lấy nền đất Thành phố Hồ Chí Minh. Việc khai thác và sử dụng bừa bãi sẽ khiến mực nước ngầm hạ thấp, dẫn đến sụt lún ở nhiều nơi. Đó cũng là nguyên nhân khiến nước triều cường dâng cao đột biến.

Nước dâng gây ngập úng trong đợt triều cường cao trên 1,6m, ngày 5/12 tại TPHCM (Ảnh: VGP/Đỗ Cường)

Thời gian gần đây, triều cường tại TPHCM liên tục dâng cao khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Thống kê cho thấy, trong năm 2013 tại TPHCM đã có gần 10 đợt ngập do triều cường gây nên. Trong đó đợt ngập nghiêm trọng xảy ra đầu tháng 12 vừa qua, khi triều cường đạt mốc lịch sử (trên 1,6m).

Mặc dù Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp cấp bách để ngăn chặn triều cường như lắp đặt các cửa van ngăn triều; gia cố 182 công trình đê bao ngăn nước; vận hành 50 máy bơm cố định và di động… nhưng, thực tế những biện pháp trên chưa thực sự phát huy tác dụng. Những đợt triều cường mạnh đột biến đã làm vỡ nhiều đoạn bờ bao, gây khó khăn cho các hộ dân sinh sống hai bên bờ sông Sài Gòn.

Nước triều dâng cao do sụt lún đất nền

Theo nhận định của các nhà khoa học, hiện tượng sụt lún đất nền ở TPHCM là một trong những nguyên nhân khiến nước triều cường dâng cao kỷ lục. TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu TPHCM cho biết có nhiều yếu tố để tạo ra triều cường như mực nước biển, lũ đầu nguồn, mưa lớn…, cũng như những ảnh hưởng khác của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, những yếu tố đó không phải là nguyên nhân khiến mực nước triều cường tại TPHCM tăng cao đột ngột trong thời qua. Bởi theo quan sát, từ năm 1995 đến nay mực nước biển tăng rất chậm, chỉ khoảng 2cm, trong khi nước triều ở TPHCM lại dâng lên đến 30cm. Do đó, ông Phi cho rằng, hiện tượng sụt lún đất nền mới là nguyên nhân khiến mực nước triều cường ngày một gia tăng, đồng thời gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng ở TPHCM.

Theo khảo sát, nhiều nơi tại TPHCM đang lún với tốc độ rất nhanh, từ 1,5-2 cm/năm, có nơi lên tới 3 cm/năm. Tốc độ này gấp 3 lần tốc độ dâng của mực nước biển. Nghiên cứu cũng cho thấy, so với thời điểm năm 1996, độ lún trung bình ở các điểm khảo sát được tại TPHCM hiện nay vào khoảng 40cm. Riêng tại một số điểm ở quận Bình Thạnh, có nơi độ lún lên đến gần 80cm. Điều đáng ngại là đến nay, phạm vi và tốc độ lún ở TPHCM vẫn có xu hướng tiếp tục lan rộng và gia tăng.

Phải hạn chế khai thác nước ngầm

Trao đổi về nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún gia tăng, PGS Nguyễn Việt Kỳ, Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng một phần do địa phương không kiểm soát được nạn khai thác giếng ngầm tràn lan, đặc biệt là các giếng khoan công nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Sở TNMT TPHCM, trước năm 1996, cả Thành phố mới chỉ có khoảng 96.000 giếng khai thác nước ngầm, mật độ trung bình 46 giếng/km2. Nhưng chỉ trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, Thành phố đã có thêm hơn 100.000 giếng. Điều này cho thấy tình trạng lạm dụng khai thác nước ngầm đang ở mức báo động.

Hệ thống những mạch nước ngầm cũng giống như “chiếc đệm” đỡ lấy nền đất bên dưới Thành phố. Việc khai thác và sử dụng bừa bãi sẽ khiến mực nước ngầm hạ thấp, kéo theo cả nền đất bên trên, dẫn đến sụt lún ở nhiều nơi. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho mực nước triều cường ngày càng dâng cao, ông Kỳ lý giải.

Cần kịch bản sống chung với triều cường

Theo GS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường TPHCM, để giải quyết bài toán ngập nước do triều cường, trước hết Thành phố phải ngăn chặn tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan. Đồng thời, khẩn trương bổ sung nguồn nước ngầm đang cạn kiệt bằng việc sử dụng nước ở các kênh, mương, rạch, ao hồ sẵn có; cũng như nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch hồ điều tiết chống ngập… để ngăn chặn tình trạng sụt lún nền đất.

TPHCM cũng nên xây dựng dự án khôi phục những vùng đất thấp như Củ Chi, Bình Chánh… Bài học ngập nước ở Thủ đô Bangkok của Thái Lan cho thấy, cần xem lại vai trò của các vùng đất này trên góc độ phát triển bền vững. Trên thực tế đó là một “đối trọng” cần thiết để tạo sự cân bằng với việc đô thị hóa.

Còn theo TS Hồ Long Phi, để ứng phó với triều cường, về lâu dài TPHCM cần xây dựng một giải pháp lớn mang tính tổng thể. Trong đó, vừa nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị về vùng cao hơn, vừa chú trọng đến việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như: Tạo việc làm cho bà con sinh sống tại vùng trũng, hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, xây dựng chương trình nước sạch…

Theo đó, Thành phố cần khẩn trương xây dựng kịch bản hướng dẫn người dân chung sống với triều cường như ở các tỉnh ĐBSCL. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ người dân xây nhà ở theo mô hình sống chung với lũ để giảm thiểu những thiệt hại do triều cường gây ra, ông Phi kiến nghị.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ nay đến Tết Nguyên đán 2014, TPHCM sẽ tiếp tục phải hứng chịu thêm 3 đợt triều cường cao trên 1,5m. Tuy nhiên, cũng theo dự báo, sẽ không có đợt triều cường nào vượt mức đỉnh 1,68m như vừa qua.