Lần đầu tiên chỉ số giới và môi trường được xếp hạng

ThienNhien.Net – Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) mới đây đã công bố kết quả xếp hạng Chỉ số Giới và Môi trường (EGI) đầu tiên trên thế giới đánh giá mức độ bình đẳng giới và việc trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực môi trường.

Việc thực hiện xếp hạng EGI của IUCN nhằm cung cấp hướng dẫn nội bộ, xây dựng năng lực và cung cấp kiến thức cho chính phủ các nước và các thể chế lớn trên thế giới về những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong lĩnh vực môi trường.

“Trong vai trò một công cụ độc lập nằm ngoài hệ thống công cụ đo lường của Liên Hợp quốc (UN), EGI có thể giúp các nhà hoạch định chính sách và xã hội dân sự đánh giá, tiến tới thiết lập các chuẩn mực thực thi mới cấp chính phủ” – bà Lorena Aguilar, Cố vấn Cấp cao về Giới của IUCN, chia sẻ.

Chỉ số Môi trường và Giới (Nguồn: IUCN)
Kết quả xếp hạng Chỉ số Giới và Môi trường đã được công bố hôm 19/11 (Nguồn: IUCN)

Để có EGI, IUCN thực hiện đánh giá trên 6 tiêu chí với 27 khía cạnh cụ thể, bao gồm: Hệ sinh thái (bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nơi cư trú nguy cấp, chất lượng rừng), Giáo dục và Tài sản phân theo giới (phụ nữ có tài khoản ngân hàng, tiếp cận đất nông nghiệp, phụ nữ được giáo dục sau tiểu học, công danh, tài sản, tỷ lệ phụ nữ biết đọc và viết), Quản trị (tự do công dân, ổn định chính trị, các quyền sở hữu tài sản), Các hoạt động báo cáo cấp quốc gia (sự tham gia của giới vào các báo cáo UNFCCC, UNCCD, CBD, sự xuất hiện của các chủ đề phát triển bền vững trong các báo cáo CEDAW), Sinh kế (giảm nghèo tốt hơn, lương thực đầy đủ, nước được cải thiện, tỷ lệ phụ nữ bị thiếu máu giảm, điều kiện vệ sinh được nâng cao, sử dụng ít nhiên liệu rắn hơn), và Các quyền phân chia theo giới và sự tham gia của giới (quyền bình đẳng hợp pháp, phụ nữ trong các đoàn đại biểu tham dự hội nghị các bên, phụ nữ trong các vị trí hoạch định chính sách, thông qua CEDAW, quản lý là nữ giới).

Chỉ số xếp hạng 72 quốc gia đã đánh giá cách thức các chính phủ đưa những vấn đề về môi trường và giới vào các quy hoạch cũng như chính sách quốc gia. Theo đó, Ai-xơ-len, Hà Lan và Na Uy là ba nước được đánh giá cao nhất; xếp hạng thấp nhất lần lượt thuộc về Cộng hòa Dân chủ Congo, Yemen và Mauritania. Việt Nam được xếp thứ 28 trong tổng số 72 quốc gia nhờ những thành tựu trong việc giảm tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh thiếu máu cùng những cố gắng trong việc nâng cao trình độ học vấn, cải thiện sinh kế và các quyền tiếp cận, sở hữu tài sản của giới nữ.

Thông qua Chỉ số Giới và Môi trường, có thể thấy rõ một thực tế là hiện nay, thông tin về vai trò và khả năng tiếp cận của phụ nữ trong các lĩnh vực liên quan tới môi trường hầu như chưa được tập hợp và công bố rộng rãi. Các dữ liệu chuyên biệt về giới trong những lĩnh vực như lâm nghiệp, nông nghiệp, nước, năng lượng, biển, thảm họa, cơ sở hạ tầng… cũng hoàn toàn vắng mặt. Tình trạng này chứng tỏ chúng ta vẫn chưa nắm được đầy đủ câu chuyện đằng sau sự lệ thuộc của con người vào thiên nhiên và vai trò của người phụ nữ trong lĩnh vực môi trường chưa thực sự được chú ý.

Bên cạnh đó, bảng xếp hạng của IUCN còn cho thấy việc thực thi các hiệp ước quốc tế về giới và môi trường đang bị hầu hết các quốc gia bỏ ngỏ. Chưa kể, sự tham gia của phụ nữ vào các cuộc đàm phán liên chính phủ về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và sa mạc hóa vẫn còn yếu, cao nhất cũng chỉ ở mức 36%.

Được biết, trong số 72 quốc gia được xếp hạng, Mozambique là nước đầu tiên lập kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu và giới. Bà Ana Chichava, Thứ trưởng Bộ Môi trường của Mozambique, cho biết đất nước của bà hết sức hoan nghênh những kết quả từ EGI và kỳ vọng rằng những gì Mozambique đã làm được sẽ giống như một chất xúc tác thúc đẩy các nước khác nỗ lực hành động hướng tới bình đẳng giới và bảo vệ môi trường.