Thủy điện và môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai

ThienNhien.Net – Ngày 15-11, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai tổ chức kỳ họp thứ sáu. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là việc quy hoạch và tác động của các công trình thủy điện đến môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai.

Thủy điện Đồng Nai 2 chặn dòng tích nước ngày 21-9-2013.
Thủy điện Đồng Nai 2 chặn dòng tích nước ngày 21-9-2013 (Ảnh: Nhân Dân)

Tiềm năng và hiện trạng

Theo báo cáo Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), lưu vực sông Đồng Nai giàu tiềm năng phát triển kinh tế, liên quan đến nhiều tỉnh, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển Kinh tế – Xã hội (KT-XH) của miền Đông Nam bộ, khu vực phía Nam nói riêng và cả nước. Đây là lưu vực có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cầu nối của các vùng kinh tế có quy mô và tốc độ phát triển KT-XH mạnh nhất cả nước. Sự phát triển mạnh của các khu vực, đặc biệt là công nghiệp và đô thị đã kéo theo các hệ quả về nhu cầu sử dụng điện trong khu vực tăng nhanh.

Hệ thống sông Đồng Nai là một trong ba hệ thống sông lớn nhất Việt Nam (sau sông Mê Kông và sông Hồng), bao gồm dòng chính sông Đồng Nai và bốn phụ lưu lớn. Hệ thống sông thuộc lưu vực này có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện, với tổng lượng điện cung cấp hàng năm hơn 5.000 GWh. Hiện, hệ thống lưu vực sông Đồng Nai có 15 nhà máy thủy điện đang vận hành, với tổng công suất 2.353,6MW, năm nhà máy chuẩn bị đưa vào hoạt động có công suất lắp máy 192MW.

Các hồ thủy điện trên hệ thống lưu vực sông Đồng Nai tạo thành bậc thang các hồ chứa trên dòng chính sông Đồng Nai, sông Bé, La Ngà và phụ lưu sông Đồng Nai đã tham gia phòng chống, cắt lũ về mùa mưa bão cho hạ du; tích cực, chủ động điều tiết bổ sung lưu lượng, góp phần đáng kể trong việc cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và bảo vệ môi trường vùng hạ du.

Thủy điện Đa Dâng 2 đã được vận hành (Ảnh: Nhân Dân)
Thủy điện Đa Dâng 2 đã được vận hành (Ảnh: Nhân Dân)

Tác động đến môi trường

Thủy điện là nguồn năng lượng có thể hồi phục, được đánh giá là nguồn điện năng sạch và hoàn hảo. Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành các công trình thủy điện trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai sẽ thay đổi căn bản chế độ dòng chảy của sông, cùng với sự thay đổi một phần môi trường tự nhiên, KT-XH trong khu vực dự án quy hoạch.

Theo ThS Nguyễn Văn Thanh, Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp: Các công trình thủy điện đã có tác động đến môi trường như, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, sa mạc hóa, nhiễm mặn hạ du vào mùa kiệt; úng ngập mùa lũ và ảnh hưởng đến chất lượng nước sông; mất rừng phòng hộ đầu nguồn và suy giảm đa dạng sinh học…

Việc xây dựng thủy điện cũng gây ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ sinh thủy thuộc hệ thống sông Đồng Nai về điều tiết ổn định dòng chảy, chia cắt nơi cư trú của các loài động vật quý hiếm.

Hiện nay, quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ, mùa kiệt trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chưa được ban hành, ảnh hưởng đến môi trường hạ du, như hiện tượng xâm nhập mặn đối với đất và nước; vai trò, khả năng “tự làm sạch” của các con sông đối với các chất ô nhiễm được thải ra từ các cơ sở sản xuất, sinh hoạt bị suy giảm nghiêm trọng…

Bên cạnh đó, việc các công trình thủy điện bố trí không đủ đất sản xuất cho người dân ở khu tái định cư, rừng cũng bị chặt phá để làm nương rẫy, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, cũng như suy giảm đa dạng sinh học khu vực. Cùng với việc, trong quá trình vận hành, các nhà máy thủy điện còn có những tác động gián tiếp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm khi tuân thủ không đầy đủ các quy định của pháp luật về môi trường.

Qua theo dõi diễn biến môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai năm 2012-2013, sông Đồng Nai đang chịu tác động chủ yếu của các công trình thủy điện lớn, hoạt động khai thác cát, cải tạo rừng nghèo kiệt, trồng rừng kinh tế… Theo đánh giá, cùng với sông Đồng Nai, thì sông Bé, sông Sài Gòn, La Ngà, Vàm Cỏ Đông… và khu vực các cửa sông đang có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ.

Thủy điện Đồng Nai 2 đã tích nước đến mực nước “chết” (Ảnh: Nhân Dân)
Thủy điện Đồng Nai 2 đã tích nước đến mực nước “chết” (Ảnh: Nhân Dân)

Thay lời kết

Có thể nói, việc đầu tư các công trình thủy điện và thu hút dự án đầu tư góp phần tăng nguồn thu từ sản xuất thủy điện. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình thủy điện cũng là một trong những nguyên nhân gây mất diện tich rừng đáng kể. Theo thống kê của tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2006 đến nay, diện tích rừng tự nhiên chuyển đổi sang xây dựng các công trình thủy điện lưu vực sông Đồng Nai là 1.886ha.

Những ảnh hưởng của thủy điện đến môi trường nước lưu vực sông Đông Nai cần được nghiên cứu, đánh giá, nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực, tạo nên sự cân bằng bền vững giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới việc bảo đảm an ninh nguồn nước.

Để thực hiện những điều đó, rất cần sự “bắt tay” của các bộ, ngành liên quan và mười một tỉnh, thành phố trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.