Phú Yên – Đắk Lắk ký kết Quy chế phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh

ThienNhien.Net – Ngày 16/10, UBND 2 tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk đã thống nhất ký kết Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng và kiểm tra, truy quét nạn phá rừng, khai thác, mua bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái phép vùng giáp ranh.

Tham dự có Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Đinh Văn Khiết; lãnh đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan.

Ảnh minh họa: Trần Hải/PanNature
Ảnh minh họa: Trần Hải/PanNature

Theo quy chế ký kết, UBND 2 tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương và chủ rừng làm tốt chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; có phương án, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng thuộc phạm vi quản lý, diện tích rừng được giao, thuê.

Quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ vùng giáp ranh; xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở chế biến gỗ vi phạm; thu hồi, không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở chế biến gỗ không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, không đáp ứng điều kiện theo quy định, các cơ sở gần rừng, ven rừng, gần sông Krô H’Năng, sông Ba, không phù hợp với quy hoạch của địa phương.

Thống kê, quản lý, xử lý các loại phương tiện như xe, ghe gắn máy neo đậu, lưu thông qua lại vùng giáp ranh trên sông Ba, sông Krông H’Năng, xe độ chế, ô tô hết hạn sử dụng… để vận chuyển lâm sản trái phép; quản lý chặt chẽ hộ tịch, hộ khẩu, tình hình di dời dân tự do đến địa phương; vận động những cá nhân cư trú bất hợp pháp trong rừng, ven rừng, sống bằng nghề phá rừng và khai thác lâm sản trái phép tại vùng rừng giáp ranh về nơi ở cũ hoặc trục xuất ra khỏi rừng.

Mỗi tỉnh thành lập, duy trì hoạt động các đoàn kiểm tra liên ngành, có nhiệm vụ thường xuyên phối hợp kiểm tra, kiểm soát tình hình xâm hại tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; thống kê, lập danh sách những đối tượng đầu nậu, chủ đường dây khai thác, mua bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái phép; các đối tượng kích động, xúi giục người dân phá rừng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự xã hội, hay cố tình chây ỳ không thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền… để giáo dục răn đe và xử lý triệt để.

Chủ động truy quét ngăn chặn các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; mọi hành vi vi phạm phải lập biên bản, xử lý nghiêm minh, kịp thời, dứt điểm.

Các lực lượng bảo vệ rừng trong khi làm nhiệm vụ, nếu phát hiện có dấu hiệu phá rừng, cháy rừng tại vùng giáp ranh phải báo ngay cho đơn vị chức năng của tỉnh bạn để phối hợp ngăn chặn.

Nếu phát hiện quả tang đối tượng vi phạm, phải bắt giữ, tịch thu tang vật, phương tiện (kể cả vùng rừng bị xâm hại thuộc tỉnh bạn), sau đó bàn giao đối tượng, hồ sơ, tang vật cho tỉnh nơi xảy ra hành vi vi phạm trong vòng không quá 24 giờ để điều tra, xử lý…