Những tiếng nói khẩn thiết bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp

ThienNhien.Net – Đây là kiến nghị của các địa biểu tham dự Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ V” với trọng tâm bảo vệ hệ sinh thái rừng khộp do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp cùng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học – Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Đắc Lắc với sự tài trợ của WWF, GEF, UNDP.

Phó Chủ tịch tỉnh Đắc Lắc Đinh Văn Khiết cho rằng: mất hệ sinh thái rừng khộp – kiểu rừng thưa lá rộng, sẽ không còn là Tây Nguyên. Vì thế, những dẫn liệu khoa học và thực tiễn trong các báo cáo chuyên đề tại Hội thảo này có giá trị rất cao đối với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tới dự và đóng góp cho Hội thảo quan trọng này có đông đảo các nhà khoa học, cán bộ quản lý ở Trung ương và các địa phương trong khu vực: Đắc Lắc, Gia Lai, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Định, Khánh Hòa, cùng một số vị lãnh đạo và đại diện nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế có liên quan.

Phát biểu chào mừng Hội thảo này, TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và Tổng cục Môi trường trong việc kiên trì nghiên cứu, phổ biến, tuyên truyền và cổ động cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong lĩnh vực này. Hội đã phát huy tốt vai trò của một tổ chức phi chính phủ trong việc vận động cộng đồng dân cư, các nhà khoa học thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học cũng như triển khai Nghị quyết Trung ương 24 về lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Rừng khộp Tây Nguyên (Ảnh: Báo Gia Lai)
Rừng khộp Tây Nguyên (Ảnh: Báo Gia Lai)

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe nhiều báo cáo về các lĩnh vực quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, các hệ sinh thái rừng khộp, các nguồn lợi và những đặc thù có một không hai của rừng khộp; sinh kế của công đồng trong điều kiện bảo tồn rừng khộp; rừng khộp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, công tác bảo vệ, bảo tồn tài nguyên, môi trường rừng khộp; những kinh nghiệm thực tiễn; những thách thức trong bảo vệ, bảo tồn rừng khộp trước áp lực phát triển kinh tế, xã hội.

Các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương tại Hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến thực tiễn và khoa học thiết thực và hữu ích về các vấn đề trên. Hội thảo thống nhất khẳng định rằng:

Hệ sinh thái rừng khộp là hệ sinh thái độc đáo, hiếm có trên thế giới, hiện chủ yếu chỉ còn ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam chiếm một phần rất lớn. Rừng khộp Tây Nguyên rất phong phú tài nguyên, đa dạng về sinh học và có giá trị lớn đối với kinh tế, xã hội;

Rừng khộp đang bị hiểu sai, bị khai thác không hợp lý và không khoa học gây giảm diện tích, suy giảm về đa dạng sinh học, làm biến mất không ít các loài đặc hữu quý hiếm, tiêu biểu là heo vòi, bò sám, làm giảm sinh kế và mai một tri thức bản địa. Cần khẩn thiết cứu lấy hệ sinh thái rừng khộp, áp dụng các biện pháp đồng bộ để ngăn chặn kịp thời những hoạt động có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái rừng khộp ở Tây Nguyên, đặc biệt là các giải pháp có tính chiến lược như: xây dựng chiến lược, quy hoạch bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp trong quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần lồng ghép các hoạt động bảo tồn rừng khộp trong chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trước mắt, kiến nghị nhà nước xem xét việc “đóng của” rừng khộp, đồng thời ban hành một văn bản riêng về bảo vệ hệ sinh thái rừng khộp Tây Nguyên. Nên xây dựng một số trạm cứu hộ động vật trên địa bàn Đắc Lắc, Gia Lai; thí điểm mô hình chăn nuôi động vật hoang dã dưới tán rừng, khu nhân giống các loài cây quý hiếm bản địa phục vụ nhân rộng ở địa phương.

Hội thảo quán triệt phải cảnh báo với các cơ quan quản lý, các cộng đồng dân cư ở địa phương và bản địa rằng “hết rừng khộp là hết Tây Nguyên”.