Xả lũ gây chết người, chủ đập phải bồi thường

ThienNhien.Net – Thủy điện đưa nhau mọc lên. Lợi ích về nguồn điện chưa thấy đâu, chỉ thấy nhan nhản những thiệt hại của người dân trong mùa xả lũ. Trách nhiệm của những người xả lũ đến đâu đối với thiệt hại về người và tài sản của người dân? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Kiên, Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý về vấn đề này.

091013_luatsu
Luật sư Lê Văn Kiên

– Thưa Luật sư, theo quy định của pháp luật thì ai phải bồi thường cho những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu khi xả lũ các hồ thủy điện?

– Trước hết, những thiệt hại về người và tài sản xảy ra khi xả lũ các hồ thủy điện được xem là những thiệt hại “ngoài hợp đồng” nên khi xem xét trách nhiệm đối với thiệt hại do xả lũ, theo quy định của Bộ luật Dân sự, sẽ phải xem xét trách nhiệm của chủ sở hữu công trình thủy điện và xem xét trách nhiệm của người quản lý công trình đã thực hiện quy trình xả lũ có đúng pháp luật hay không.

Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự thì nhà máy thủy điện đang hoạt động có thể coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Vì thế, chủ sở hữu nhà máy có thể phải bồi thường, thậm chí, ngay cả khi không có lỗi.

– Như vậy, bất luận trường hợp nào xả lũ gây chết người và thiệt hại về tài sản thì chủ sở hữu nhà máy thủy điện cũng phải bồi thường?

– Theo quy định tại Nghị định 72/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn của đập chứa thì trong mùa lũ, các hồ chứa có nhiệm vụ điều tiết lũ, việc vận hành tích nước, xả lũ phải ưu tiên đảm bảo an toàn đập. Trong trường hợp do vận hành xả lũ hồ chứa làm dâng đột ngột mực nước tại đoạn song, suối hạ lưu công trình xả lũ, chủ đập phải có biện pháp báo động, thông báo trước để bảo đảm an toàn cho người, tàu, thuyền và phương tiện đi lại hoạt động trên sông, suối. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ chỉ được miễn trách nhiệm bồi thường nếu việc gây thiệt hại do yếu tố bất khả kháng như thiên tai, tình thế cấp thiết hoặc thiệt hại do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.

Đối với việc quản lý các công trình thủy điện, theo tôi, những trường hợp bão lũ tự nhiên khiến việc xả lũ phải thực hiện một cách bắt buộc để bảo vệ sự an toàn của đập và đã có thông báo, báo động thì thuộc trường hợp không phải bồi thường, vì đó là tình thế cấp thiết, hoặc như động đất gây vỡ đập cũng là trường hợp bất khả kháng.

Đối với việc vận hành đập chứa, khi không có thiên tai mà chủ sở hữu, người quản lý đập đã thực hiện đúng quy trình vận hành hồ, đập như quy định tại Nghị định 72/2007/NĐ-CP, song, do người bị thiệt hại cố ý vi phạm các quy định về an toàn khi hồ vận hành (ví dụ như khi hồ xả lũ đã có thông báo để người dân biết và tránh nhưng người dân cố tình không tránh) thì chủ sở hữu cũng không phải bồi thường.

Ảnh minh họa: Chinhphu.vn
Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

– Đối với các trường hợp thiệt hại xảy ra do hồ thủy điện xả lũ thì cơ chế bồi thường được thực hiện như thế nào, thưa ông?

– Nguyên tắc của việc bồi thường thiệt hại là bồi thường toàn bộ tổn thất trực tiếp và bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh được tổn thất mà họ phải gánh chịu, nhất là tổn thất về tài sản.

Đối với thiệt hại về người, theo quy định của Bộ luật Dân sự và hướng dẫn của TANDTC thì người bị thiệt hại được bồi thường tổn thất về tinh thần, tối đa không quá 60 tháng lương cơ bản. Ngoài ra, người chịu trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho những người mà người chết có nghĩa vụ cấp dưỡng, ví dụ như con chưa thành niên, cha mẹ già không có người nuôi dưỡng.

– Xin cảm ơn ông!