Lào thông báo xây đập Don Sahong

ThienNhien.Net – Thứ hai vừa rồi Lào đã thông báo đến Ủy hội Sông Mê Kông Quốc tế (MRC) và các nước thành viên của Ủy hội về kế hoạch xây dựng con đập thứ hai trên dòng chính sông Mê Kông – thủy điện Don Sahong với công suất 260MW phía Nam Lào.

Theo thông cáo từ Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, Lào đã né tránh trách nhiệm đệ trình dự án theo quy trình “tham vấn trước” (PNPCA), mặc dù trước đó Ủy ban Thư ký MRC và các nhà tài trợ quốc tế đã khẳng định rằng dự án này buộc phải thực hiện thủ tục tham vấn trước với các quốc gia trong khu vực.

Trong bản nhận xét năm 2007 về Đánh giá tác động môi trường của đập Don Sahong, MRC khẳng định rằng dự án này thuộc đối tượng phải thực hiện “tham vấn trước” vì nằm trên dòng chính. Tại cuộc họp không chính thức các nhà tài trợ MRC hồi tháng sáu năm nay, 10 nhà tài trợ quốc tế bao gồm Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ cũng yêu cầu chính phủ Lào công bố báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và thực hiện quy trình tham vấn trước.

“Nếu MRC thất bại trong việc kiểm soát Lào xây đập, tổ chức này sẽ thất bại trong sứ mệnh của mình và sẽ mất hết tính pháp lý mà một tổ chức phải có. MRC không thể bào chữa cho Lào hơn nữa; dự án này phải thông qua quá trình tham vấn trước theo quy định của Hiệp định Mê Kông 1975 – bà Ame Trandem, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế khẳng định.

Con đập sẽ ngăn đường di cư duy nhất của cá vào mùa khô (Ảnh: IR)
Con đập sẽ ngăn đường di cư duy nhất của cá vào mùa khô (Ảnh: IR)

Đập Don Sahong nằm trên đường di cư duy nhất của cá vào mùa khô nên tác động là vô cùng nghiêm trọng đối với nhiều loài cá di cư, đến ngành thủy sản nước ngọt nội địa lớn nhất trên thế giới, tạo ra các tác động xuyên biên giới.

“Đập Don Sahong đẩy Campuchia và Việt Nam đến gần hơn với khủng hoảng lương thực. Vì dự án nằm ngay biên giới Campuchia, chẳng lẽ họ quên rằng cá là cuộc sống của chúng tôi và xương sống cho nền kinh tế của chúng tôi? Thật vô trách nhiệm nếu triển khai dự án mà không tham vấn người dân hạ nguồn hoặc thực hiện một đánh giá tác động xuyên biên giới đáng tin cậy. Cá đơn giản là nguồn tài nguyên quá quý giá để có thể lãng phí” – Ông Chhith Sam Ath, thuộc diễn đàn NGO của Campuchia phát biểu.

Bạch Dương/Diễn đàn Đầu tư