“Tê giác bị săn trộm trong năm 2013 có thể lên tới hơn 800 cá thể”

ThienNhien.Net – Đây là lời cảnh báo của ông Andrew Paterson – Giám đốc Quỹ Bảo tồn Tê giác tại cuộc họp báo “Ngày Tê giác Thế giới 2013: Sừng tê giác không giúp bạn thể hiện đẳng cấp, cũng không phải là thần dược” do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tổ chức sáng 20/9 tại Hà Nội.

Nếu lời cảnh báo trở thành hiện thực thì số tê giác bị săn trộm trong năm 2013 sẽ xác lập một “kỷ lục” mới, tăng hơn nhiều so với con số 668 cá thể bị giết năm 2012.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Võ Tuấn Nhân – Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đồng thời là trưởng phái đoàn Việt Nam vừa có chuyến thăm và làm việc 10 ngày tại Nam Phi về vấn đề buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia – cho biết: “Tôi cảm thấy thực sự kinh khủng khi chứng kiến cảnh một con tê giác bị giết chỉ để lấy sừng”.

Ông chia sẻ thêm một số thông tin thu nhận được từ các bạn Nam Phi rằng từ đầu năm đến nay đã có 635 cá thể tê giác Nam Phi bị săn bắn lấy sừng, gần 2/3 trong số đó bị giết hại ngay tại Vườn Quốc gia Kruger mà đoàn vừa tới thăm.

Ông kêu gọi các cơ quan chức năng tại Việt Nam đẩy mạnh việc thực thi Công ước về Buôn bán quốc tế các loài hoang dã nguy cấp (CITES), Luật Đa dạng sinh học cùng hệ thống luật pháp trong nước liên quan. Điều này thực sự cần thiết và cấp bách bởi Việt Nam hiện là một trong những thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới.

Trao chứng nhận Đại sứ bảo vệ Tê giác cho nghệ sỹ Xuân Bắc (Ảnh: ENV)
Trao chứng nhận Đại sứ bảo vệ Tê giác cho nghệ sỹ Xuân Bắc (Ảnh: ENV)

Một số thành viên tham gia chuyến thăm và làm việc tại châu Phi cũng chia sẻ những cảm nhận và mối băn khoăn đối với tương lai loài tê giác, trong đó có nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động) và nghệ sỹ Nguyễn Xuân Bắc – người vừa chính thức trở thành Đại sứ bảo vệ Tê giác.

“Khi nhìn hàng chục nhát rìu in hằn trên phần đầu con tê giác bị chết trong Vườn Quốc gia Kruger, tôi cảm thấy đau lòng, đúng nghĩa của từ đau lòng. Chúng ta thử so sánh xem: nếu chặt đi một cái sừng, ta sẽ mất cả con tê giác; nhưng nếu giữ lại một con tê giác, ta không chỉ có một cái sừng mà còn có thêm cả tê giác. Cái nào hơn?” – nghệ sỹ Xuân Bắc nhấn mạnh.

Trong vai trò mới là Đại sứ bảo vệ Tê giác, nghệ sĩ hứa hẹn sẽ nỗ lực kêu gọi cộng đồng bảo vệ loài động vật quý hiếm này bởi những nỗ lực ấy – như anh lý giải – ngày hôm nay tốt cho loài tê giác, ngày mai tốt cho tự nhiên và tương lai tốt cho chính các thế hệ con cháu chúng ta.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cũng tâm sự: “Sau chuyến thăm Nam Phi, mỗi người trong đoàn chúng tôi đều ấp ủ những “dự án” riêng và chắc chắn, chúng tôi sẽ làm điều gì đó để cứu lấy tương lai của loài tê giác”.