Xử lý chất thải công nghiệp để phát điện: Lợi ích kép

ThienNhien.Net – Việc xử lý chất thải rắn luôn là vấn đề bức thiết đối với các đô thị phát triển. Thời gian qua Hà Nội được đầu tư nhiều về thu gom, xử lý chất thải, song vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của đô thị văn minh, hiện đại.

Bằng sự tài trợ của Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng Nhật Bản (NEDO), mô hình mẫu lò đốt rác tái sử dụng nguyên liệu chất thải biến thành điện năng lần đầu đã được triển khai tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn).

Ảnh: Hànộimới
Ảnh: Hànộimới

Hệ thống bao gồm lò đốt chất thải công nghiệp hiện đại (có bộ phận lọc bụi, khử khí thải độc hại, xử lý tro xỉ hóa rắn…), tận dụng, thu hồi nhiệt lượng chạy máy phát điện. Ở mô hình mẫu là một tổ máy công suất phát điện 1.930kW, có thể phục vụ nội bộ khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Bình quân công suất xử lý khoảng 75 tấn chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại mỗi ngày. Toàn bộ công nghệ do NEDO chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO).

Theo báo cáo đánh giá hiệu quả dự án, mô hình này không chỉ góp phần xử lý triệt để khối lượng chất thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại trên địa bàn Hà Nội, khu vực lân cận, giảm tác động xấu tới môi trường, mà còn phù hợp với chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Dự án cũng được đánh giá giúp giảm tình trạng lưu kho, tồn ứ chất thải công nghiệp tại cơ sở sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi tăng sức hút đầu tư phát triển công nghiệp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào Thủ đô cũng như các tỉnh vùng trọng điểm Bắc bộ; nâng cao năng lực quản lý chất thải công nghiệp cho Thủ đô bằng việc tiên phong ứng dụng công nghệ xử lý chất thải công nghiệp tiên tiến, đồng thời là cơ sở khoa học cũng như thực tiễn trong việc áp dụng mô hình xử lý chất thải công nghiệp cho các khu đô thị và thành phố lớn khác trong cả nước.

Theo Công ty URENCO, các thiết bị viện trợ được vận chuyển về Việt Nam theo 5 đợt, trong đó đợt 1 đã về đến công trường xây dựng của dự án từ tháng 7-2013. Các thiết bị sẽ được lắp ráp bởi nhà thầu Việt Nam dưới sự giám sát chất lượng toàn bộ quá trình của Hitachi Zosen. Dự kiến, thời gian xây dựng, lắp đặt thiết bị, chuyển giao công nghệ là 360 ngày và thời điểm đưa hệ thống thiết bị vào vận hành là quý IV năm 2014.

Thực hiện các dự án hợp tác khoa học kỹ thuật với Việt Nam theo chương trình “Viện trợ Xanh” – GAP của Nhật Bản, Bộ Khoa học Công nghệ và Tổ chức NEDO đã ký nghị định thư hợp tác về khoa học – công nghệ – môi trường. Sau đó, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã ký ý định thư với NEDO xác định thực hiện dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Nam Sơn, Sóc Sơn.

Năm 2012, Bộ Tài nguyên – Môi trường, UBND TP Hà Nội và Tổ chức NEDO cùng ký Biên bản ghi nhớ đánh dấu chính thức bắt đầu dự án, đồng thời giao nhiệm vụ cho Công ty URENCO làm chủ đầu tư và URENCO cùng Hitachi Zonsen đã ký kết kế hoạch thực hiện dự án, trong đó thống nhất tiến độ công việc giữa hai bên.

Những năm gần đây, việc quản lý và xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nguy hại trên địa bàn Hà Nội đã có bước chuyển rõ rệt cả về phương tiện, nhân lực lẫn công nghệ áp dụng. Riêng việc xử lý chất thải công nghiệp, dưới sự chỉ đạo của UBND TP, URENCO đã đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải công nghiệp Nam Sơn nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp và nguy hại gây ra.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, công nghiệp là sự gia tăng nhanh chóng cả về khối lượng và mức độ nguy hại của chất thải, đòi hỏi phải tìm kiếm, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn nữa. Vì vậy, dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Nam Sơn là một trong những nỗ lực tìm giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng quá tải nhu cầu xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, dự án góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường qua hệ thống lò đốt, xử lý làm sạch khí thải, thu hồi nhiệt để phát điện.