Điện mặt trời cho các nước nghèo

ThienNhien.Net – Các giải pháp điện ngoài mạng lưới, trong đó có điện mặt trời, là lựa chọn tốt nhất đối với những cộng đồng hẻo lánh vùng nông thôn chưa được tiếp cận điện. Điều này đã được chứng minh ở hai nước Peru và Bangladesh, đem lại hy vọng nhân rộng mô hình điện mặt trời giá rẻ ở nhiều quốc gia nghèo trên thế giới.

Peru gần đây đã công bố một Chương trình Quang điện Quốc gia Điện khí hóa Hộ gia đình nhằm cung cấp điện mặt trời cho 2 trên tổng số 6 triệu người chưa được tiếp cận nguồn điện của nước này. Trọng tâm của Chương trình sẽ hướng vào các khu vực nghèo ở nông thôn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung là năm 2016, cung cấp điện năng cho 95% dân số Peru, tăng 66% so với hiện tại.

Ảnh: Dieter Telemans/Panos
Ảnh: Dieter Telemans/Panos

Chương trình Quang điện Quốc gia Điện khí hóa Hộ gia đình mới được coi là một trong những hành động của Peru nhằm “trả lời” Báo cáo năm 2011 của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) khi kết luận rằng Peru mới chỉ khai thác chưa đầy 1% tiềm năng quang điện của mình.

Trước đó, Peru cũng đã điều chỉnh khung pháp lý quốc gia nhằm khuyến khích việc sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là quang điện.

Song mặc dù Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận Peru là “một nước tích cực trong công cuộc giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng”, nước này vẫn gặp không ít khó khăn khi mà khoảng cách giữa tỷ lệ nghèo ở thành thị (18%) và nông thôn (56%) còn khá lớn.

Cùng với Peru, Bangladesh cũng là điểm đến đầy triển vọng của năng lượng mặt trời, khởi đầu bằng khoản đầu tư vào chương trình phát triển điện mặt trời từ Ngân hàng Grameen nhằm cung cấp điện cho các hộ gia đình nông thôn với giá không vượt quá chi phí họ phải bỏ ra để mua dầu hỏa thắp sáng hàng ngày.

Kết quả là đến nay, Bangladesh đã có hiệp hội năng lượng tái tạo và nếu tính riêng năm 2012, điện mặt trời đã thắp sáng 1,5 triệu ngôi nhà, đem lại lợi ích cho 15 triệu người ở quốc gia này.

Từ đó có thể thấy chỉ cần có sự ủng hộ tích cực của các cấp lãnh đạo và kế hoạch tài chính hợp lý, các quốc gia nghèo hoàn toàn có thể biến quang điện thành một nguồn năng lượng thay thế hiệu quả ở những vùng, miền mà điện chưa và khó đến được.