Liên tục đề xuất làm thuỷ điện trong vườn quốc gia: Làm thủy điện để… phá rừng?

ThienNhien.Net – Mặc dù liên tục bị phản đối, nhưng gần đây nhiều dự án thủy điện nhỏ lại đang được đề xuất xây dựng. Hiệu quả kinh tế của các dự án này còn chưa biết nhưng việc tàn phá môi trường, chiếm dụng vườn quốc gia… đã không còn là cảnh báo.

“Cố đấm ăn xôi”…

Sau Dự án Thủy điện Ea K’Tuor ở tỉnh Đăk Lăk đe dọa Vườn quốc gia Chư Yang Sin (xem NTNN số 201/2013) thì mới đây lại đến lượt Vườn quốc gia Yok Đôn bị đe dọa bởi Dự án Thủy điện Đrăng Phốk (NTNN số 216/2013). Đáng nói, các dự án thủy điện này đều có công suất rất nhỏ chỉ 5MW và 26MW. Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN cho biết, hiện nhiều chủ đầu tư đang còn phải “tháo chạy” khỏi các dự án thủy điện, không biết việc tiếp tục đề xuất xây dựng các dự án thủy điện nhỏ này để làm gì?

Theo ông Ngãi, việc tư nhân đầu tư khai thác thủy điện bây giờ không thể có hiệu quả bởi những dự án lớn, đem lại lãi (các dự án trên 30MW) thì Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã đầu tư hết. Các dự án thủy điện nhỏ hiện nay nếu tiếp tục đầu tư chỉ có lỗ, chưa kể điện làm ra sẽ không ai mua hoặc bị mua với giá rẻ. “Có thể, các doanh nghiệp đang “cố đấm ăn xôi” hoặc có mục đích nào đó thì mới tiếp tục xin đầu tư thủy điện nhỏ vì năm 2017, theo quy hoạch điện 7 sẽ kết thúc tất cả các dự án thủy điện, chỉ còn các dự án điện lớn, hiệu quả mới được triển khai xây dựng”- ông Ngãi nói.

Ruộng rẫy đều chìm dưới lòng hồ Thủy điện Buôn Tuasrah, người dân phải phát rẫy tại khu vực đệm Rừng đặc dụng Nam Ka, Đăk Lăk (trong ảnh là một thanh niên đang dò sóng điện thoại di động, nguồn: Dân Việt)
Ruộng rẫy đều chìm dưới lòng hồ Thủy điện Buôn Tuasrah, người dân phải phát rẫy tại khu vực đệm Rừng đặc dụng Nam Ka, Đăk Lăk (trong ảnh là một thanh niên đang dò sóng điện thoại di động, nguồn: Dân Việt)

Trên thực tế, nhiều dự án thủy điện nhỏ đã được cấp phép đầu tư tràn lan không mang mục đích sản xuất điện. Thời gian qua, số lượng thủy điện nhỏ được quy hoạch rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế không cao; phần lớn các thủy điện này có công suất dưới 10MW nhưng diện tích chiếm đất rừng lớn (trên 14ha/MW điện). Suất đầu tư cao từ 16-20 tỷ đồng/MW điện, lại ở những vùng sâu, xa chi phí đầu tư cho truyền tải lớn…

Ông Ngãi nói thẳng: “Có thể nói, mục đích chính của nhiều chủ đầu tư là thông qua dự án thủy điện để khai thác lâm sản, khi đã khai thác hết gỗ thì không cần tiếp tục dự án thủy điện nữa”. Báo cáo của Bộ NNPTNT gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện trong giai đoạn 2006-2012 cũng cho thấy: Để triển khai được 160 dự án thủy điện, chúng ta đã mất đi gần 20.000ha đất rừng tự nhiên, trung bình mất đi 125 ha/dự án. Thậm chí, con số này có thể lớn hơn, bởi sẽ phải bố trí mới đất tái định cư, đất sản xuất cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Cùng với đó là những tai họa ẩn giấu về sự cố đập, lũ lụt…

Nhân danh thuỷ điện để phá rừng

GS-TS Nguyễn Hoàng Trí-thành viên Ủy ban Quốc gia UNESCO VN cũng cho rằng, phải có người được hưởng lợi thì các dự án thủy điện nhỏ, kém hiệu quả, xâm hại rừng, môi trường mới được đầu tư xây dựng. Còn theo GS-TS Nguyễn Ngọc Lung-Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, nhân danh đầu tư thủy điện thì chủ đầu tư được khai thác gỗ hợp pháp, dù không ai nhận mình làm vậy. Con số thống kê công bố về diện tích rừng chuyển đổi sang làm thủy điện là những số thống kê được trong thiết kế, hồ sơ dự án, còn phần rừng mất đi sau đó thì không ai thống kê được. Đáng lẽ làm thủy điện phải trồng lại rừng, nhưng hầu hết các chủ đầu tư đã không làm.

Bộ Công Thương thừa nhận có nhiều dự án thủy điện mà chủ đầu tư chậm trồng rừng bù lại diện tích bị mất, không thực hiện theo cam kết tiến độ đã đề ra, gây nhiều hệ lụy về kinh tế – xã hội… Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ loại bỏ 338 dự án và không đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng thủy điện.

GS Vũ Trọng Hồng-Chủ tịch Hội Thủy lợi VN cũng đặt câu hỏi: Tại sao VN lại cho phát triển ồ ạt thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên-nơi mà rừng là nguồn sống của người dân địa phương và các con sông đều ngắn, dốc? Việc phá hủy hàng chục ha rừng, trong đó phần lớn là do xây dựng thủy điện có hợp lý không khi mà ngày nay, trong điều kiện biến đổi khí hậu thì việc làm thủy điện dẫn đến phá rừng ồ ạt sẽ gây hậu quả xấu nhiều hơn? TS Đào Trọng Tứ – nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban sông Mekong VN cũng nhấn mạnh rằng, việc hoàn trả rừng với một dự án thủy điện chỉ là “bánh vẽ”. Trong khi đầu tư thủy điện lại tàn phá nhiều diện tích rừng là điều quá đau xót. “Thủy điện cuối cùng không mang lại lợi ích nhiều như người ta tưởng”- ông Tứ nhấn mạnh.