Đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài chưa chú trọng yếu tố môi trường-xã hội

ThienNhien.Net – Dù luôn được chào đón ở các nước đang phát triển, song dòng đầu tư tài chính của các ngân hàng phát triển Trung Quốc cũng đang gây ra những quan ngại do chưa thực sự chú ý đúng mức đến các tác động tiêu cực về môi trường và xã hội ở các nước nhận đầu tư. Bài bình luận của Giáo sư Quan hệ Quốc tế thuộc trường Đại học Boston (Mỹ) Kevin Gallagher dưới đây sẽ chia sẻ quan điểm về vấn đề này và đồng thời đưa ra khuyến cáo cho các ngân hàng Trung Quốc để tránh những hệ lụy ngoài mong muốn và gây dựng được hình ảnh đẹp trong các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Hoạt động hiệu quả…

Thời gian qua, khi phương Tây tỏ ra kỳ vọng vào xu hướng tự do hóa thương mại và bãi bỏ điều tiết tài chính thì Trung Quốc lại triển khai các chính sách công nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn dưới một thị trường tài chính và thương mại được điều tiết.

Nhờ đi đúng đường, Trung Quốc đã từng bước chuyển dịch nền kinh tế đất nước và đưa hơn 600 triệu người thoát nghèo, trong khi đó, các nước phương Tây lần lượt rơi vào khủng hoảng tài chính, kéo theo hệ lụy lên mức tăng trưởng và tỷ lệ giảm nghèo trên toàn thế giới.

Hiện tại, Trung Quốc đang nỗ lực nhân rộng mô hình phát triển của mình trên toàn cầu. Theo thống kê, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu Trung Quốc (EIBC) thậm chí còn đầu tư tài chính cho các nước đang phát triển nhiều hơn cả Ngân hàng Thế giới (WB). Chưa kể, nguồn tài chính của Trung Quốc còn dễ tiếp cận hơn các nước phương Tây do không đòi hỏi những điều kiện ngặt nghèo như tự do hóa thương mại hay thắt chặt tài chính…

Các ngân hàng phát triển Trung Quốc rõ ràng không chỉ hoạt động hiệu quả trên quy mô lớn mà còn thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các khoản lợi nhuận mang về cho đất nước và các cơ hội “béo bở” cho các công ty trong nước.

Tuy nhiên, nếu muốn đi những bước dài hơn, Trung Quốc cần phải tính đến việc lồng ghép các cơ chế bảo vệ môi trường và xã hội vào hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

… nhưng rủi ro về môi trường và xã hội

Ngày càng có nhiều trường hợp cho thấy các thể chế tài chính Trung Quốc có thể mất cơ hội đầu tư do những quan ngại về môi trường và xã hội. Trường hợp mỏ quặng sắt Belinga ở Gabon là một ví dụ. Năm 2007, mỏ Belinga đã nằm trong hợp đồng ký kết giữa chính quyền thành phố Libreville và Công ty Năng lượng Thiết bị Trung Quốc (CMEC) với sự hỗ trợ vốn từ EIBC. Thế nhưng dự án đã vấp phải sự phản đối của địa phương vì gây ra những tác động môi trường và sau đó liên tục bị đàm phán, hoãn lại rồi cuối cùng bị loại bỏ.

Rủi ro chính trị liên quan đến môi trường có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng phát triển lớn ở Trung Quốc (Ảnh minh họa: Getty Images)
Rủi ro chính trị liên quan đến môi trường có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng phát triển lớn ở Trung Quốc (Ảnh minh họa: Getty Images)

Tương tự, dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt Trung Quốc – Myanmar trị giá hàng tỷ đô la do CDB đầu tư cũng bị người dân địa phương “săm soi” rất kỹ. Đây là dự án do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đứng ra điều phối và đã ký một vài hạng mục với Sinohydro. Trước những tác động tiềm ẩn của dự án đến môi trường và xã hội, các tổ chức xã hội dân sự địa phương đã tổ chức các cuộc vận động phản đối việc đền bù đất đai không tương xứng, người dân mất sinh kế, môi trường bị tổn thương…, gây không ít tổn hại cho chủ đầu tư.

Hay có thể nhìn ngay vào trường hợp dự án thủy điện Patuca do Công ty Sinohydro thực hiện, chủ đầu tư là EIBC, được Chính phủ Honduras thông qua năm 2011. Dự án này đã làm mất 42 km rừng mưa vốn là một phần của Vườn Quốc gia Patuca và Khu dự trữ Sinh quyển Tawahka Asangni. Sau khi bị các tổ chức xã hội dân sự địa phương và các tổ chức phi chính phủ quốc tế như Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR), Ủy ban Bảo vệ Thiên nhiên (NC)… phản đối kịch liệt, Dự án đã bị trì hoãn để tái đánh giá tác động và hình ảnh của chủ đầu tư theo đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Nói như vậy để thấy rủi ro tiềm ẩn về môi trường có thể tác động nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng phát triển lớn ở Trung Quốc thông qua việc các dự án bị trì hoãn hoặc hủy bỏ vì bị cộng đồng địa phương và/hoặc quốc tế phản đối. Chỉ khi bảo đảm được tính bền vững về môi trường và quyền con người, các ngân hàng phát triển Trung Quốc mới tiếp cận được với thị trường và giảm thiểu được rủi ro.

Trước mắt, việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế đã được thiết lập có thể giúp các ngân hàng này thâm nhập sâu hơn vào các thị trường như Mỹ, châu Âu, nơi đòi hỏi những tiêu chuẩn cao hơn về môi trường và xã hội. Đồng thời, việc gây dựng được một “hồ sơ” đẹp ở các thị trường đang nổi và các nước đang phát triển cũng tạo điều kiện cho họ dễ dàng lồng ghép các tiêu chuẩn mới vào hoạt động của mình.

Suốt nhiều thập kỷ nay, các nước đang phát triển đã đón nhận nguồn đầu tư của các ngân hàng phát triển mà không phải trải qua những điều kiện khắt khe. Nếu các ngân hàng phát triển Trung Quốc bổ sung thêm cơ chế bảo vệ môi trường và xã hội, rất có thể họ sẽ trở thành ngọn cờ tiên phong về đầu tư tài chính trong thế kỷ này.