Đến bao giờ cát tặc ở Mường Phăng mới “dứt nọc”?

ThienNhien.Net – Xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) từ nhiều năm qua đã xuất hiện nạn khai thác cát “chui”. Điều đáng nói là hoạt động khai thác cát lậu của người dân trên địa bàn xã này không thể “dứt nọc” mà ngày càng phát triển mạnh thêm làm nguy cơ thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn xã càng rõ nét dẫn đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng.

Khảo sát địa bàn, trên chiều dài hàng ki-lô-mét của 2 con suối chảy qua địa bàn xã gồm Nậm Liếng và Nậm Phăng đều xuất hiện các điểm hút cát. Dọc 2 con suối này, chúng tôi ghi nhận có hơn 10 điểm khai thác cát chui (không được cấp phép hoạt động). Những bãi cát lên đến hàng nghìn mét khối.

Điểm hút cát tại suối Nậm Liếng (Ảnh: Tiến Tư/VietnamPlus)
Điểm hút cát tại suối Nậm Liếng (Ảnh: Tiến-Tư/VietnamPlus)

Đối với người lạ khi đặt chân vào Mường Phăng đều gặp những bãi cát rộng hàng chục mét vuông, cao ngất ngưởng đến mái nhà sàn của người dân hiện hữu sau, trước, bên mái hiên nhà sàn của người dân.

Qua tìm hiểu, phần lớn tại những điểm cát được hút lên là chân ruộng, bãi ruộng trồng lúa được người dân đồng ý cho các cá nhân khác khai thác cát thuê, mượn với mức tiền và thời gian sử dụng thỏa thuận. Còn lại là diện tích ruộng của người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng từ trồng lúa sang để lấy đất trống chứa cát.

Nhiều năm khai thác theo kiểu “mạnh ai nấy làm” đã dẫn đến hệ quả tất yếu, nhiều diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân ven suối cho thuê làm điểm tập kết cát mất độ màu mỡ, hạn chế khả năng phục hồi, tái tạo. Dòng chảy của các con suối Nậm Phăng, Nậm Liếng ngày càng bị nắn dòng, biến dạng và thường xuất hiện sạt lở mỗi khi mưa lớn xảy ra trên địa bàn, làm ảnh hưởng đến việc trồng trọt của người dân.

Theo nhiều người dân trên địa bàn xã, tiếng máy hút cát chạy hết công suất ở các điểm khai thác cát này cũng đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân sống gần các điểm khai thác cát. Mỗi khi gió lớn xảy ra trên địa bàn thì một lượng lớn cát bụi bay vào nhà cửa, ruộng vườn trồng hoa màu.

Chính quyền xã Mường Phăng cũng cho biết, để bảo vệ và tránh thất thoát nguồn tài nguyên cát trên địa bàn, chính quyền xã cũng đã tuyên truyền đến người dân; lập nên nhiều biên bản xử phạt hành chính đối với các điểm khai thác cát. Tuy nhiên, việc “dứt nọc” được tình trạng khai thác cát chui trên địa bàn là chưa thể, vì thẩm quyền xử phạt hành chính không lớn nên tính răn đe đối với các chủ khai thác cát không cao. Bên cạnh đó, giá trị mang lại từ bán cát lớn nên nhiều chủ “đầu nậu” chấp thuận việc nộp tiền phạt rồi tiếp tục khai thác “theo nghề.”

Sau khi chia tách xã thành 2 đơn vị hành chính cấp xã gồm xã Mường Phăng và xã Pa Khoang, xã Mường Phăng hiện còn diện tích trên 3.400 ha, dân số gần 4.800 người, thuộc 3 dân tộc Kinh, Thái, Mông. Thực tế cho thấy, với việc “sở hữu” di tích lịch sử nổi tiếng cấp quốc gia Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Mường Phăng có tiềm năng rất lớn trong việc khai thác thế mạnh du lịch.

Tuy nhiên, việc hàng chục lượt xe quá khổ, quá tải vào xã này “ăn” cát để ra khỏi địa bàn tiêu thụ đã làm cung đường du lịch từ khu tái định cư Noong Bua (thành phố Điện Biên Phủ) đi xã Mường Phăng xuống cấp.

Thực tế này đã khiến nhiều đoàn du khách phải “cắt” lịch trình vào tham quan khu di tích lịch sử nổi tiếng – Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ – nơi đặt bản doanh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.