Người dân bị xiết nợ ngay khi nhận đền bù thủy điện

ThienNhien.Net – Ngay sau khi các hộ dân ở các xã Sơn Liên, Sơn Dung, huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) nhận tiền đền bù từ dự án thủy điện Đak Đrinh, họ đã bị nhiều người bao vây, chặn đường, giật tiền để xiết nợ.

Hai tuần qua, sau mỗi đợt Ban đền bù dự án thủy điện Đak Đrinh chi trả tiền đền bù đất đai, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, người dân liên tục bị giật, xiết nợ gây náo động vùng rừng núi Sơn Tây.

Vụ xiết nợ mới nhất xảy ra vào chiều hôm qua (8/7), sau khi 14 hộ dân ở xã Sơn Liên nhận đền bù đợt 2 từ dự án thủy điện Đak Đrinh với số tiền 9 tỷ đồng. Vừa ra khỏi trụ sở UBND huyện Sơn Tây, một số người bị các chủ nợ bao vây, chặn đường, giật tiền trên tay. Trong đó, chị Đinh Thị Rót ở xã Sơn Liên bị giật nợ nhiều nhất, hơn 250 triệu đồng.

Trước đó hai tuần, một người dân ở xã Sơn Liên nhận tiền đền bù đất đai, nhà cửa cũng từ dự án thủy điện Đak Đrinh gần 2 tỷ đồng. Trên đường từ trụ sở UBND xã về nhà chưa đầy 2 km đã bị các chủ nợ xiết sạch tiền.

Người dân xã Sơn Liên, huyện miền núi Sơn Tây bị xiết nợ ngay sau khi nhận tiền đền bù từ dự án thủy điện Đak Đrinh vào chiều 8/7 (Ảnh: C.H/VnExpress)
Người dân xã Sơn Liên, huyện miền núi Sơn Tây bị xiết nợ ngay sau khi nhận tiền đền bù từ dự án thủy điện Đak Đrinh vào chiều 8/7 (Ảnh: C.H/VnExpress)

Trước tình hình này, Công an huyện Sơn Tây huy động lực lượng đến hiện trường vãn hồi trật tự. Cơ quan công an xác định, nguyên nhân là do trước đó các thương lái cho người dân vay tiền để chi tiêu với lãi cao đến khi nhận đền bù thì bị xiết nợ. Ngoài ra, một số hộ dân đã bị các tiệm tạp hóa lừa mua đồ dùng sinh hoạt với giá cao cho “trả chậm”. Do thời gian nợ kéo dài nên khi họ nhận tiền đền bù là bị các chủ nợ giật tiền trên tay.

Thống kê của UBND huyện Sơn Tây, từ đầu năm 2012 đến nay, người dân ở các xã Sơn Liên, Sơn Long và Sơn Dung đã nhận khoảng 100 tỷ đồng tiền đền bù hoa màu, cây cối và hỗ trợ chuyển đổi nghề từ dự án thủy điện Đak Đring. Từ năm 2000, nhiều hộ đồng bào Cà Dong đã bán “lúa non” (đất rẫy, hoa màu) ngay từ những ngày đầu dự án thủy điện Đak Đring khởi động với giá rẻ mạt nên đến khi đền bù thì tiền tỷ rơi vào tay người khác.

Gìa làng Đinh Văn Bẻo, xã Sơn Dung kể lại, cuối năm 2012, một số người hỏi mua 5 ha đất rẫy của gia đình nằm trong vùng dự án thủy điện Đak Đring với giá 16 triệu đồng. “Đến đầu 2013, khi chính quyền địa phương lập danh sách đền bù đất nông nghiệp, hoa màu, họ làm thủ tục nhận đền bù đến 700 triệu đồng. Lúc đó tôi mới biết mình bị lừa. May mà có cán bộ công an huyện can thiệp lấy lại giúp khoản tiền đền bù gửi tiết kiệm vào ngân hàng”, ông Bẻo nói.

Ông Bùi Đức Thạch, Chủ tịch UBND xã Sơn Dung xác nhận, đến nay đã có 42 hộ dân trong vùng dự án thủy điện được hỗ trợ đền bù đất đai, chuyển đổi nghề nghiệp hơn 40 tỷ đồng. “Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về chính sách đền bù hỗ trợ của Nhà nước, một số kẻ xấu dụ dỗ mua khoán trước diện tích đất trong vùng dự án với giá rẻ mạt, sau đó lập thủ tục chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng”, ông Thạch nói.

Theo ông Thạch, Công an huyện Sơn Tây đã phát hiện, ngăn chặn giúp 42 hộ dân lấy lại số tiền khoảng 16 tỷ đồng, đồng thời vận động người dân gửi tiết kiệm ngân hàng trên 11 tỷ. Trong tháng 8 tới, có khoảng 232 hộ dân ở xã Sơn Dung tiếp tục nhận hỗ trợ đền bù và tái định cư với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng.

Khu vực trung tâm dự án thủy điện Đăkđrinh ở huyện miền núi Sơn Tây (Ảnh: Trí Tín./VnExpress)
Khu vực trung tâm dự án thủy điện Đăkđrinh ở huyện miền núi Sơn Tây (Ảnh: Trí Tín./VnExpress)

Theo thống kê, đến nay Công an huyện Sơn Tây vận động người dân gửi tiết kiệm vào ba ngân hàng với tổng số tiền 20 tỷ đồng, đồng thời tuyên truyền người dân không nghe lời kẻ xấu rút tiền tiết kiệm tiêu xài không đúng mục đích. Riêng những “khoản nợ” giữa người dân với các chủ tiệm tạp hóa, chủ đất, công an huyện sẽ mời họp làm sáng tỏ nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân.

Để chấn chỉnh tình trạng này, huyện Sơn Tây đang áp dụng chính sách đền bù đất đai theo chính sách khấu trừ (đất đổi đất tái định cư kèm theo nhà ở). Theo kế hoạch, trước 31/8, Ban quản lý dự án thủy điện Đak Đring dâng nước lên đến 410m nên hiện tại hàng nghìn người dân ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) và huyện Konplong (KonTum) ở vùng lòng hồ đang gấp rút di dời đến vùng an toàn.

Thủy điện Đak Đring khởi công vào tháng 1/2011, dự án nằm ở các xã Sơn Long, Sơn Liên và Sơn Dung, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và huyện KongPlong tỉnh Kon Tum. Nhà máy có công suất 125MW, tổng mức đầu tư 3.423 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tổ máy 1 sẽ phát điện vào tháng 9/2013 và đến tháng 12/2013 sẽ phát điện tổ máy 2.