Bản đồ mới xác định khu vực ưu tiên bảo tồn loài toàn cầu

ThienNhien.Net – Tích hợp dữ liệu toàn cầu về 21.000 loài chim, lưỡng cư và động vật có vú, nghiên cứu mới đăng trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) đã tạo ra những tấm bản đồ giá trị xác định các khu vực ưu tiên bảo tồn loài trên thế giới.

Nhìn vào bộ bản đồ này, người ta sẽ thấy động vật có vú ở khu vực nào đang bị đe dọa nhiều nhất (Indonesia và Malaysia), nơi nào có nhiều chim chóc nhất (Amazon) hay những loài lưỡng cư mới được phát hiện ở đâu (Andes)…

“Sau khi xác định được các khu vực quan trọng nhất về đa dạng sinh học, nhận biết được phạm vi sống của từng loài, nắm bắt được loài nào đang bị tổn thương cũng như các mối đe dọa từ hoạt động của con người tới khả năng sinh tồn của loài, chúng ta mới có thể vạch ra đường hướng bảo tồn đúng đắn” – ông Clinton Jenkins thuộc trường Đại học bang Bắc Carolina, trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định.

Bản đồ mới xác định khu vực ưu tiên bảo tồn loài toàn cầu
Bản đồ mới xác định khu vực ưu tiên bảo tồn loài toàn cầu

Một điểm đáng lưu ý ở bộ bản đồ là mọi phân tích đều được thực hiện trên lưới tọa độ không gian tỷ lệ 10 x 10 km, chi tiết gấp 100 lần những đánh giá trước đây. Chính vì thế mà chúng được kỳ vọng có thể giúp các nhà bảo tồn và hoạch định chính sách biết chính xác những vị trí mới cần bảo tồn trước khi quá muộn.

Với cơ sở dữ liệu thu thập được, bản đồ xác định những khu vực ưu tiên bảo tồn chim và động vật có vú bao gồm vùng rừng nhiệt đới ẩm của Amazon, rừng Atlantic của Brazil, Congo, cánh cung phía đông châu Phi, khu vực đảo và lục địa Đông Nam Á. Đa dạng sinh học của các loài lưỡng cư tập trung chủ yếu tại khu vực Trung và Nam Mỹ.

Ngoài việc xác định khu vực ưu tiên cần bảo tồn, bộ bản đồ mới còn cho biết tính đa dạng trong từng nhóm loài (chim, lưỡng cư và động vật có vú), danh sách các loài bị đe dọa, các loài có môi trường sống hạn hẹp và các loài mới phát hiện.

Đặc biệt, kết nối dữ liệu về tất cả các loài động vật có xương sống, bản đồ cho chúng ta biết Amazon, đông nam Brazil và Trung Phi đang là những khu vực đa dạng sinh học bậc nhất thế giới. Mặc dù chỉ chiếm 7,2% diện tích đất liền, song ba khu vực này lại là ngôi nhà chung của khoảng một nửa số loài trên Trái đất.

Cũng thông qua những tấm bản đồ này, nhóm nghiên cứu cảnh báo mới chỉ có 1/3 số điểm nóng đa dạng sinh học trên thế giới đang nằm trong các khu bảo tồn, trong đó 11% được bảo tồn nghiêm ngặt, còn rất nhiều khu vực đặc biệt quan trọng khác hiện vẫn chưa được đưa vào diện bảo tồn.