Xu hướng phát triển khu công nghiệp tại nông thôn vùng ĐBSH

ThienNhien.Net – Là một trong những khu vực có nhiều tiềm năng trong phát triển khu công nghiệp, tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một định hướng quy hoạch tổng thể hay cụ thể nào cho sự phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng. Điều này tất yếu dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt kinh tế – xã hội và môi trường khu vực, từ đó đặt ra nhu cầu cần sớm xây dựng định hướng phát triển khu công nghiệp cho khu vực này.

Nhằm tìm hiểu rõ hơn vấn đề nêu trên, nhóm phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. KTS Nguyễn Cao Lãnh, Giảng viên, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Kiến trúc Công nghiệp, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng xung quanh câu chuyện quy hoạch khu công nghiệp vùng nông thôn Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) cũng như xu hướng phát triển khu công nghiệp của vùng trong thời gian tới.

– Thưa Tiến sĩ, ông có thể cho biết cơ sở của việc phát triển khu công nghiệp tại nông thôn vùng ĐBSH và thực trạng quy hoạch khu công nghiệp ở khu vực này?

TS. KTS Nguyễn Cao Lãnh: Sau một thời gian tập trung phát triển “nóng” các ngành công nghiệp và khu công nghiệp cho đô thị, sự mất cân bằng và khoảng cách chênh lệnh về phát triển giữa đô thị và nông thôn ngày một gia tăng, đe dọa sự phát triển bền vững chung, đặc biệt là tại vùng ĐBSH.

Việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phục vụ công cuộc công nghiệp hóa nông thôn là rất cần thiết, nhất là đối với vùng ĐBSH khi hiện nay khoảng 96% diện tích vùng là nông thôn và khoảng 69% dân số vùng ở nông thôn. Tuy nhiên, thời gian qua, một hình mẫu chung khu công nghiệp của đô thị đã được áp dụng cho tất cả các khu vực nông thôn trong vùng. Với các đặc thù riêng về địa kinh tế, sự áp dụng này không những không mang lại hiệu quả như mong muốn mà còn làm nảy sinh các mâu thuẫn về phát triển và làm gia tăng vấn nạn ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn vùng ĐBSH.

– Tiến sĩ có thể nói rõ hơn về những bất cập từ thực trạng phát triển thiếu quy hoạch nêu trên, đặc biệt là những bất cập về mặt môi trường?

TS. KTS Nguyễn Cao Lãnh: Với chức năng hoạt động là “sản xuất công nghiệp” và “dịch vụ sản xuất”, khu công nghiệp dường như thích hợp với mô hình công nghiệp – dịch vụ của đô thị hơn là mô hình công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp của nông thôn. Khu công nghiệp – với hình khối lớn và mật độ xây dựng cao – đã trở thành một khu vực biệt lập, đối lập hẳn với tính chất “cộng đồng” truyền thống và đặc trưng không gian cảnh quan kiểu “làng xóm” của khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp hiện tại hầu như không có vai trò thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại nông thôn, không chú trọng nhiều tới các nguồn nội lực từ nông thôn. Theo thống kế của Bộ Công Thương, hiện tại, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn chỉ chiếm 22,35% toàn ngành và chỉ tạo ra 20,8% GDP. Sự kém hiệu quả này cũng được thể hiện ở việc thu hút lao động địa phương làm việc trong khu công nghiệp, chỉ 50-60% lao động trong khu công nghiệp là lao động địa phương và sự dịch cư nông thôn – đô thị ngày càng gia tăng, khoảng 135.000 người/năm.

Thêm điểm đáng lưu ý là trong khi phần lớn các khu công nghiệp đô thị nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp Việt Nam do nhà nước thống nhất quản lý, kiểm soát (theo Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/08/2006 về Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020) thì các khu công nghiệp ở nông thôn chủ yếu được phát triển theo nhu cầu địa phương và chưa có một quy hoạch tổng thể nào. Thêm vào đó, sự quản lý nới lỏng ở các địa phương cũng dẫn tới tình trạng phát triển tràn lan, vượt quá nhu cầu và phân bố bất hợp lý giữa các địa phương và ngay cả trong cùng một địa phương.

Ngoài những bất cập nêu trên, sự phát triển bất hợp lý các khu công nghiệp cũng dẫn tới tình trạng cạnh tranh giữa các khu công nghiệp tại nông thôn, điều này tất yếu dẫn tới việc hạ giá thành cho thuê đất, giảm chi phí đầu tư xây dựng và giảm chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp. Sự đầu tư xây dựng không đồng bộ, đặc biệt là thiếu các công trình xử lý môi trường của các khu công nghiệp ở nông thôn đã gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng tại khu vực này. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ các khu công nghiệp tại đô thị có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm khoảng 70%, còn hầu hết các khu công nghiệp tại nông thôn chưa có hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Do vậy, khoảng 70% lượng nước thải (khoảng 700.000m3/ngày đêm) từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý.

Cuối cùng, sự dư thừa đất khu công nghiệp càng làm tình trạng dự án “treo” gia tăng, gây ảnh hưởng tới quỹ đất phát triển nông nghiệp, công ăn việc làm và ổn định đời sống của người dân nông thôn.

Hình ảnh Khu công nghiệp Bá Thiện 2, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (Ảnh: industrialzone.vn)
(Ảnh: industrialzone.vn)

– Theo Tiến sĩ, đâu là xu hướng phát triển khu công nghiệp hiệu quả và bền vững mà vùng nông thôn Đồng bằng sông Hồng nên lựa chọn?

TS. KTS Nguyễn Cao Lãnh: Trước hết, cần xác định rõ vai trò, chức năng của khu công nghiệp tại nông thôn. Khu công nghiệp tại nông thôn là nơi tạo ra các nhu cầu về sản xuất quy mô lớn và các dịch vụ hỗ trợ kèm theo ngay tại nông thôn và từ các lợi thế của nông thôn, là nơi thu hút và tạo ra các nguồn vốn đầu tư. Nhờ đó, quá trình công nghiệp hóa nông thôn có thể có những bước “đột phá” mà không phải trông chờ vào đầu tư từ bên ngoài.

Trong lĩnh vực công nghiệp, khu công nghiệp tại nông thôn sẽ khai thác những thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ ở nông thôn và những thị trường còn trống ở đô thị hay xuất khẩu (công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ…), giải quyết những ngành mà công nghiệp đô thị không nên làm hoặc làm kém hiệu quả hơn (công nghiệp xử lý chất thải và tái chế).

Trong lĩnh vực nông nghiệp, khu công nghiệp tại nông thôn là nơi thu gom, tiêu thụ và gia tăng giá trị của các sản phẩm, từ đó tạo ra các nhu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, cải tiến phương thức sản xuất theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đây là giải pháp cơ bản nhất để phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp như chế biến nông sản, lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp,.. dựa trên nguồn lực địa phương.

Trong lĩnh vực dịch vụ, khu công nghiệp tại nông thôn là nơi tạo ra các nhu cầu dịch vụ, trước hết là các dịch vụ sản xuất, vận chuyển và kéo theo đó là các dịch vụ thương mại, phục vụ người lao động. Sự phát triển này sẽ tác động ngược lại, kích thích sự phát triển của công nghiệp và nông nghiệp nông thôn.

Ngoài việc định rõ vai trò, chức năng, chúng ta cũng cần xác định đặc thù phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của nông thôn vùng ĐBSH. Khác với đô thị (có cơ cấu kinh tế – xã hội là công nghiệp – dịch vụ, chu trình sản xuất chỉ bao gồm hai công đoạn: sản xuất, chế biến và tiêu thụ), nông thôn vùng ĐBSH có cơ cấu công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp và chu trình sản xuất gồm bốn công đoạn: khai thác; sản xuất; chế biến; tiêu thụ và xử lý chất thải. Nông thôn chính là vùng sản xuất ra nguyên liệu, thu gom nguyên liệu cho các ngành công nghiệp nông thôn và cũng chính là nơi xử lý các chất thải của công nghiệp. Có thể nói nơi đây hình thành và phát triển một cách tự nhiên các chu trình sản xuất mang tính sinh thái điển hình trên cơ sở các ngành chế biến nông sản và tái chế.

Dựa trên các đặc thù, tiềm năng của công nghiệp nói riêng và nông thôn vùng ĐBSH nói chung, khu công nghiệp tại đây có thể được phát triển với hai mô hình cơ bản là Khu công – nông nghiệp (dựa trên cơ sở các ngành công nghiệp chế biến nông sản, lương thực, thực phẩm hay sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguồn nguyên liệu địa phương) và Khu công nghiệp tái tạo tài nguyên (dựa trên cơ sở các ngành công nghiệp tái chế và xử lý chất thải của đô thị và nông thôn).

Mỗi một mô hình đều được phát triển trên một chu trình sản xuất đặc thù mà “hạt nhân” là một hay một vài doanh nghiệp có nhu cầu đầu vào lớn, tạo ra nhiều bán thành phẩm, phế thải hay năng lượng, nước có khả năng tái sử dụng lớn. Tiếp theo là các doanh nghiệp “vệ tinh” cấp 1 cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp “hạt nhân” và các doanh nghiệp “vệ tinh” cấp 2 chấp nhận đầu ra của các doanh nghiệp “hạt nhân” để sản xuất, tiêu thụ hay tái chế. Đây là đặc thù khác biệt cơ bản của khu công nghiệp tại nông thôn so với các khu công nghiệp thông thường hiện nay.

– Những lợi ích căn bản mà mô hình khu công nghiệp mới tại nông thôn sẽ mang lại cho vùng ĐBSH, thưa Tiến sĩ?

Về mặt xã hội, khu công nghiệp tại nông thôn là giải pháp tốt nhất để tạo việc làm phi nông nghiệp và tận dụng nhiều lao động với trình độ chuyên môn chưa cao, bao gồm: việc làm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong khu công nghiệp; việc làm dịch vụ sản xuất, hỗ trợ sản xuất, trao đổi thương mại trong và ngoài khu công nghiệp; việc làm dịch vụ phục vụ sinh hoạt cho người lao động trong khu công nghiệp. Điều này sẽ giúp người nông dân “ly nông bất ly hương”, tạo thêm việc làm lúc nông nhàn và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ.

Bên cạnh đó, khu công nghiệp tại nông thôn tiếp nhận tất cả dạng sở hữu, loại hình cơ sở sản xuất ở nông thôn vùng ĐBSH. Điều này cho phép phát triển khu công nghiệp bằng cách thu hút mọi thành phần trong xã hội có vốn tham gia đầu tư thành lập và quản lý. Đây sẽ là cơ hội để người dân nông thôn trực tiếp tham gia các dự án đầu tư phát triển, vừa đem lại lợi ích chung cho khu vực nông thôn vừa đem lại các lợi ích riêng cho họ. Đây cũng là yếu tố tạo nên sự ủng hộ khi mà sự phát triển các khu công nghiệp hiện nay đang gây ra các mâu thuẫn với sự phát triển của cộng đồng và môi trường xung quanh.

Về mặt môi trường, việc đưa các chu trình sản xuất liên kết theo hướng sinh thái đã và đang phát triển tại nông thôn vùng ĐBSH vào trong khu công nghiệp sẽ giảm thiểu tài nguyên đầu vào và các chất thải đầu ra. Với điều kiện tự nhiên phong phú và quỹ đất rộng lớn tại khu vực nông thôn vùng ĐBSH, các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kĩ thuật theo các nguyên tắc của sinh thái học (chu trình tuần hoàn nước, chu trình xử lý chất thải, trạm xử lý nước thải sinh học, các vật liệu thay thế,…) đều có thể áp dụng tại khu công nghiệp tại nông thôn.

Về đô thị hóa, khu công nghiệp tại nông thôn sẽ là nguồn lực của công nghiệp hóa, từ đó tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn. Việc phát triển khu công nghiệp tại nông thôn luôn gắn liền với việc phát triển các khu vực chức năng khác của nông thôn (điểm dân cư nông thôn, trung tâm tiểu vùng, hạ tầng kĩ thuật,…), tạo ra các tiền đề hay là “hạt nhân” để phát triển các đô thị sau này.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!