Nhiều loài động, thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

ThienNhien.Net – Nhiều loài chim, động vật lưỡng cư và san hô đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do biến đổi khí hậu, song lại không được xếp vào danh sách bảo tồn và nhận được sự quan tâm đúng mức. Đây là cảnh báo của một nghiên cứu quốc tế đăng tải trên Tạp chí PLOS ONE số ra ngày 12/6.

Theo các chuyên gia, hiện có tới 40% các loài chim, 29% các loài lưỡng cư và 22% loài san hô trên thế giới không nằm trong danh sách các loài đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, song có nguy cơ tuyệt chủng cao nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Trong đó, đứng đầu danh sách nguy cơ cao có chim và động vật lưỡng cư tại rừng nhiệt đới Amazon cùng san hô dọc bờ biển Indonesia.

San hô dọc bờ biển Indonesia đang bị liệt vào danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng cao (Ảnh: Stephen Frink/Getty Images)

Thông qua nghiên cứu lần này, nhóm chuyên gia mong muốn thúc đẩy công tác xem xét và đánh giá lại các ưu tiên bảo tồn dựa trên những phát hiện mới về nguy cơ đe dọa của biến đổi khí hậu đối với môi trường tự nhiên.

Tuy nhiên, Wendy Foden, chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), đồng thời là chủ nhiệm công trình nghiên cứu, cũng cho biết hiện biến đổi khí hậu không phải mối đe dọa lớn nhất đối với giới động, thực vật. Dân số thế giới không ngừng gia tăng, tình trạng khai thác tài nguyên quá mức của con người và các loài động, thực vật xâm lấn vẫn là những nguyên nhân chính gây ra tuyệt chủng ở các loài động, thực vật.

Công trình nghiên cứu vừa công bố dựa trên những đánh giá đưa ra gần đây của IUCN về mức độ nguy hiểm đe dọa các loài chim, động vật lưỡng cư và san hô trước tình hình biến đổi khí hậu, dựa trên các yếu tố bao gồm độ nhạy cảm trước biến đổi khí hậu và khả năng thích ứng. Nghiên cứu là thành quả của hơn 100 nhà khoa học, Tổ chức IUCN và nhiều nhóm khoa học và môi trường độc lập khác.

Theo tính toán của các chuyên gia môi trường thuộc Liên Hợp quốc (UN), sẽ có khoảng 20 – 30% các loài động, thực vật trên thế giới đối diện với nguy cơ tuyệt chủng nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2 – 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Hiện hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đặt mục tiêu khống chế đà tăng nhiệt độ này, song không khả thi do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một trong những thủ phạm khiến Trái đất nóng lên, liên tục gia tăng.