Chính sách giao đất lâm nghiệp: Chưa đủ mạnh để phát triển rừng bền vững

ThienNhien.Net – Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Giao đất rừng ở Việt Nam: Chính sách và thực tiễn” do Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung, Trường ĐH Nông lâm Huế và Liên minh hoạt động trong lĩnh vực về đất rừng tổ chức ngày 7/6.

Giao đất theo kiểu hình thức, phong trào

Giao đất giao rừng là một chủ trương lớn của Nhà nước, là bước chuyển quan trọng từ nền lâm nghiệp thuần túy nhà nước sang nền lâm nghiệp xã hội với sự tham gia thực sự của toàn xã hội, trong đó vai trò của hộ gia đình và cộng đồng được đề cao và chú trọng.

Chính sách giao đất lâm nghiệp chưa tạo được động lực đủ mạnh để đẩy mạnh trồng rừng và quản lý rừng bền vững
Chính sách giao đất lâm nghiệp chưa tạo được động lực đủ mạnh để đẩy mạnh trồng rừng và quản lý rừng bền vững

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), có 11,4 triệu ha diện tích rừng đã giao, chiếm 84,4% diện tích rừng toàn quốc (13,5 triệu ha). Trong đó, diện tích rừng giao cho hộ gia đình và cộng đồng là 3,809 triệu ha, chiếm 28,18% diện tích đất lâm nghiệp toàn quốc (tính đến 31.12.2011).

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Bình – Vụ Kế hoạch tổ chức, Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá: “Hiện nay việc giao đất rừng và rừng vẫn mang tính hình thức, phong trào, giao trên bản đồ và sổ sách. Tỷ lệ diện tích rừng do các doanh nghiệp nhà nước, UBND các cấp quản lý chiếm rất cao, khoảng 50%, trong khi đó tỷ lệ diện tích rừng giao cho các hộ gia đình, cá nhân thấp, làm giảm hiệu quả xã hội của chính sách giao rừng, cho thuê rừng của Nhà nước và chưa huy động được nguồn lực to lớn trong dân”.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Tô Đình Mai – chuyên viên cấp cao của Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng: “Một số nơi chính sách giao khoán rừng bị lợi dụng để chiếm đoạt quyền sử dụng đất đai đang do các lâm trường quốc doanh quản lý một cách bất hợp pháp”. Nhiều ý kiến nhận định, việc thực thi các chính sách và giải pháp quản lý, sử dụng đất và rừng trong các lâm trường quốc doanh còn chậm chạp và hiệu quả thấp. Cơ chế quản lý đất đai của các lâm trường còn quá lỏng lẻo, mang tính chất quản lý tài nguyên nhiều hơn là quản lý tài sản.

Chậm cấp chứng nhận

Tại hội thảo, Cục Đăng ký thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tính đến 26.5.2013, đã có trên 1,8 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các chủ rừng, với 9,7 triệu ha đất lâm nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đạt 83,6% tổng diện tích đất lâm nghiệp cần cấp chứng nhận (12 triệu ha). Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Bình đánh giá: “Việc cấp giấy chứng nhận vẫn chậm, chưa được quan tâm ở nhiều địa phương do diện tích đất rừng bị tranh chấp lấn chiếm, kinh phí để đo đạc xác định phạm vi ranh giới không có… nên không cấp được giấy chứng nhận”.

“Chính sách giao đất lâm nghiệp mới cung cấp nguồn lực nhưng chưa tạo được động lực đủ mạnh để đẩy mạnh trồng rừng và quản lý rừng bền vững”.

Ông Tô Đình Mai

Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Cục trưởng Cục Đăng ký thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng: “Các địa phương cần tiếp tục đầu tư kinh phí, chỉ đạo rà soát các trường hợp tồn đọng, xét và cấp giấy chứng nhận đối với các hồ sơ đủ điều kiện cấp hoàn thành hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp và xây dựng cơ sở dữ liệu đất lâm nghiệp thống nhất trong cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương”.

Về định hướng lâu dài thiết thực, phù hợp cho tất cả các tỉnh thành, theo ông Trần Mạnh Long – Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp): “Tổng cục Lâm nghiệp đã yêu cầu các địa phương tổng kết đánh giá về kết quả giao rừng cho thuê rừng, những tồn tại của giao đất giao rừng trong thời gian qua, đánh giá các chính sách xem vướng mắc gì, vướng mắc đến đâu để có giải pháp khắc phục cụ thể. Sau khi có tổng kết đánh giá này, phía Cục Kiểm lâm sẽ cố gắng tham mưu đề xuất những chính sách phù hợp hơn cho các địa phương”.