Nhiệm vụ Quy hoạch chung Khu nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang

ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đến năm 2025 với diện tích tự nhiên khoảng 5.200 ha.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang là khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đặc thù cho vùng bán đảo Cà Mau với những loại hình sản xuất như: Lúa chất lượng cao, thủy sản nước ngọt, chăn nuôi, nấm và chế phẩm vi sinh, cây ăn quả.

Ảnh minh họa: danviet.vn
Ảnh minh họa: danviet.vn

Căn cứ Quyết định thành lập số 1152/QĐ-TTg ngày 27/8/2012, phạm vi lập Quy hoạch chung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang gồm địa phận 4 xã: Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Lương Tâm và Lương Nghĩa thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Dân số tham gia các hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang khoảng 17.800 – 18.800 người.

Các chức năng chính của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang gồm: Khu nghiên cứu – đào tạo – chuyển giao công nghệ; Khu quản lý – dịch vụ công nghệ cao; Khu sản xuất ứng dụng công nghệ cao; các khu dân cư nông thôn; khu cây xanh, mặt nước, công viên, thể dục thể thao; hệ thống giao thông; khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; khu hậu cần.

Nhiệm vụ Quy hoạch yêu cầu cần phân tích vị trí địa lý của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang trong mối quan hệ vùng tỉnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phân tích đặc điểm khí hậu, thủy văn, địa hình, địa chất và cảnh quan đặc trưng khu vực quy hoạch.

Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá hiện trạng về dân số, lao động, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, cấp-thoát nước, môi trường…); đánh giá các dự án đầu tư đã và đang triển khai trong phạm vi ảnh hưởng đến Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang.

Đối với khu vực dành cho cơ sở nghiên cứu – đào tạo – chuyển giao công nghệ, diện tích khoảng 415 ha, cần xác định cơ cấu phù hợp, thuận lợi với nhu cầu hoạt động, tạo lập một Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đa chức năng, đảm bảo yêu cầu của các đối tác hoạt động trong khu và nhu cầu của xã hội về sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Đối với khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần tập trung nghiên cứu các giải pháp chỉnh trang, bổ sung, hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và khu dân cư; đề xuất các giải pháp bố trí sắp xếp lại dân cư trong vùng dự án gắn với xây dựng nông thôn mới.