Hậu thủy điện Đắk Psi 5: Chờ đền bù, đợi tái canh

ThienNhien.Net – Công trình Thủy điện Đăk Psi 5 do Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai làm chủ đầu tư được xây dựng trên địa bàn xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà (Kon Tum). Nhà máy được xây dựng trên dòng sông Đắk Psi, công suất là 10MW. Để triển khai thực hiện dự án này, tỉnh Kon Tum đã có nhiều chính sách ưu đãi cho công trình. Tuy nhiên chủ đầu tư lại…

Tiền trảm, hậu… quên tấu

Năm 2009, khi triển khai xây dựng đập, chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh thiết kế công trình mà không báo với chính quyền hay các Sở, ban ngành quản lý nhà nước. Cụ thể, đập của thủy điện này được thiết kế theo kiểu đập tràn với 3 cửa van được sửa thành đập tràn tự do. Theo đó, thay đổi trên chủ công trình đã tự ý nâng cao trình ngưỡng tràn từ 597m lên thành 605m, bề rộng tràn từ 36m lên thành 70m… Tất cả những điều chỉnh này chủ đầu tư tự ý thực hiện mà không báo với bất kỳ ai.

Đến khi công trình đã xây dựng hoàn thiện các điều chỉnh trên và chuẩn bị phát điện thì cơ quan chuyên môn mới phát hiện sự việc trên. Ngày 24/08/2012 đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Kon Tum tiến hành lập biên bản vì các sai phạm trong việc thay đổi thiết kế trên. Sau 2 tháng thì chủ công trình này – Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai mới có báo cáo gửi cho 6 đơn vị có liên quan từ UBND tỉnh đến huyện và các Sở, ban, ngành về các sai phạm của mình với các đại ý là thay đổi trên phù hợp, an toàn cho công trình… Theo ông Bùi Minh Trí, Phó Giám đốc nhà máy thì: khi thay đổi thiết kế đơn vị đã báo cáo với chính quyền và cơ quan chuyên môn nhưng do thất lạc giấy tờ nên không có đơn vị nào nhận được.

Trong khi đó, đánh giá về mức độ an toàn cho công trình, đại diện một thành viên trong đoàn kiểm tra cho rằng mức độ an toàn trên chưa thể khẳng định, còn phải đang chờ ý kiến từ Bộ Công thương. Theo báo cáo của chủ đầu tư với đoàn kiểm tra thì việc xây dựng công trình có một số thông số sai lệch so với hồ sơ thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (?).

Trong biên bản cuộc họp ngày 24/08/2012 cũng khẳng định trong quá trình thi công, 1 đoạn đường liên huyện dài 500m liên tục bị ngập nhưng chủ đầu tư không chịu khắc phục. Ngoài ra, còn 11 ha lúa nước cũng bị ảnh hưởng nhưng đơn vị không đền bù cho dân…. Được biết, để xây dựng công trình, chủ đầu tư cũng đã mở một con đường dẫn nước mới vào thẳng nhà máy khiến một đoạn sông Đắk Psi bị bức tử.

Đền bù đất, tái định canh định cư là vấn đề lớn với các công trình thủy điện ở Tây Nguyên (Ảnh: Khu tái định cư thủy điện An Khê - Ka Nắk, Gia Lai/ThienNhien.Net)
Đền bù đất, tái định canh định cư là vấn đề lớn với các công trình thủy điện ở Tây Nguyên (Ảnh: Khu tái định cư thủy điện An Khê – Ka Nắk, Gia Lai/ThienNhien.Net)

Dân mỏi cổ đợi đền bù

Ngày 05/10/2012, chủ đầu tư đã có báo cáo số 137 về việc về việc hoàn thành công tác đền bù đất, cây trồng trên đất và vật kiến trúc xây dựng của các hộ dân để xây dựng công trình. Tuy nhiên, thực tế khi vận hành đóng điện công trình thì lại có thêm 65 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó đa phần là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện còn nhiều khó khăn. Khi bị “tuýt còi” thì doanh nghiệp vô tư giải thích là nhầm tưởng đất của Nhà nước nên không đền bù. Bức xúc về vấn đề trên, 65 hộ dân trên đã có đơn kiến nghị gửi các chính quyền địa phương cũng như ý kiến tại các hội nghị tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp… Tuy nhiên đến nay mọi chuyện vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Trước sự việc trên, ngày 22/04/2013 UBND huyện Đắk Hà đã có văn bản (số 352/UBND-TH) gửi chủ đầu tư về việc thực hiện nghiêm túc việc thống kê chi trả đền bù cho dân (phần diện tích đất sản xuất của nhân dân bị ngập thêm trước khi vận hành đóng điện)…

Ngoài ra, khi dự án được triển khai, tỉnh Kon Tum đã có Quyết định 392/QĐ-UBND ngày 22/04/2008 về việc thu hồi và chuyển mục đích sử dụng gần 232ha tại tiểu khu 320 và 325 trên địa bàn xã Đắk Psi để bố trí khai hoang tái định canh cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng do xây dựng công trình thủy điện Đắk Psi 5. Quyết định trên cũng yêu cầu chủ đầu tư phải khai hoang diện tích trên để bố trí đất tái định canh cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng do xây dựng công trình. Tuy nhiên đến nay sau 5 năm chủ đầu tư vẫn chưa hề đả động đến việc này. Không những vậy, theo thông tin riêng thì doanh nghiệp còn mưu tính biến đất tái canh thành đất cho riêng mình (thành lập một nông trường riêng) nhưng ý đồ trên vẫn chưa thực hiện được.

Trước sự việc trên, ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà khẳng định: Huyện đã đề nghị UBND tỉnh Kon Tum thu hồi Quyết định 392 trên vì chủ đầu tư không triển khai thực hiện khai hoang tái canh cho dân. Ngoài ra, chủ đầu tư phải tiến hành thỏa hiệp đền bù cho diện tích bị ngập phát sinh nhưng chưa được đền bù. Việc đền bù phải được thực hiện dứt điểm trước 30/05 này.