Xử lý ô nhiễm ở làng nghề Đông Mẫu: Vẫn trên giấy!

ThienNhien.Net – Nhiều năm nay, thôn Đông Mẫu, xã Yên Đồng (Yên Lạc – Vĩnh Phúc) trở thành làng nghề tái chế nhựa nổi tiếng, mỗi năm có khoảng 60.000 tấn nhựa phế thải từ khắp nơi được đưa về đây. Nghề “băm nhựa” đem lại việc làm cho khoảng 1.000 lao động, giúp gần 200 hộ phất lên nhưng đã để lại hậu quả nặng nề cho môi trường sống.

Phất lên 

Đến Đông Mẫu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, cả làng như một bãi rác khổng lồ. Trên mọi nẻo đường san sát những đống nhựa phế thải nối tiếp nhau, phế liệu chất ngổn ngang trong sân, ngoài ngõ.

Ông Tạ Xuân Việt, Phó chủ tịch UBND xã Yên Đồng cho biết, xã có 83 hộ đầu tư mua máy tái chế nhựa, gần 150 hộ chuyên thu mua nhựa cũ, cung cấp cho các cơ sở tái chế. Bình quân mỗi ngày Đông Mẫu tái chế khoảng 150 – 200 tấn nhựa. Doanh thu từ nghề này đạt gần 100 tỷ đồng/năm, bình quân mỗi cơ sở thu lợi nhuận 200-500 triệu đồng/năm. Nghề tái chế nhựa đem lại việc làm cho gần 1.000 lao động trong xã, với mức thu nhập 25-30 triệu đồng/người/năm.

Nói là tái chế nhựa nhưng anh Nguyễn Văn Vĩnh, chủ một cơ sở ở Đông Mẫu nhận xét: “Phải gọi là làng băm nhựa mới đúng”. Đồ phế thải sau khi thu mua về Đông Mẫu được người dân phân loại, súc rửa, sau đó dùng dụng cụ thủ công để đập vỡ thành nhiều mảnh cho vào máy nghiền thành sợi hoặc miếng. Tùy theo sàng lọc mà cho ra các sản phẩm nhựa có kích cỡ khác nhau. Nhựa phế thải được phân làm hai loại, nhựa sống và nhựa chết. Nhựa chết là loại nhựa cứng, chất liệu không đẹp, giá thu mua không quá 4.000 đồng/kg, sau khi nghiền thành miếng hoặc sợi nhỏ thì bán với giá 6.000-7.000 đồng/kg. Nhựa sống là loại nhựa trong, có độ dẻo cao, giá 14.000-15.000 đồng/kg.

Để nghiền nhựa ra thành miếng nhỏ, anh Vĩnh đầu tư một máy nghiền có giá khoảng 40 triệu đồng, một ngày có thể nghiền được 4-5 tấn sản phẩm. Năm 2012, gia đình anh Vĩnh xuất bán được 100 tấn nhựa nghiền, doanh thu hơn 700 triệu đồng, trừ chi phí, thu lợi nhuận 200 triệu đồng. Cơ sở của anh Vĩnh có 5 lao động, lương tính theo ngày, bình quân 80.000 đồng/người/ngày.

Ô nhiễm môi trường ở làng nghề Đông Mẫu (Ảnh: Văn Hiến)
Ô nhiễm môi trường ở làng nghề Đông Mẫu (Ảnh: Văn Hiến)

Ô nhiễm 

Theo anh Vĩnh, nhựa phế thải được người dân Đông Mẫu thu gom từ khắp nơi, với nhiều chủng loại như thùng đựng dầu mỡ, bình ắc-quy, vỏ các dụng cụ điện tử, mũ bảo hiểm, ghế nhựa, các bộ phận nhựa của xe máy, chai lọ các loại… Thậm chí cả các dụng cụ đựng chất độc hại và thuốc trừ sâu, bơm kim tiêm, ống nghiệm, chai chuyền dịch… Toàn bộ số nhựa phế thải này, trước khi phân loại để đưa vào máy nghiền phải được rửa bằng nước. Anh Vĩnh chia sẻ: “Chúng tôi thu mua rác đem về để làm giàu nhưng cũng đem chất độc hại từ khắp nơi về cho làng mình”.

Ông Việt cho hay, tất cả các cơ sở tái chế nhựa trong xã đều không đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải. Ước tính, mỗi hộ tái chế nhựa xả ra môi trường từ 3 – 5m3 nước thải/ngày, toàn bộ số nước thải này được đổ trực tiếp ra các ao hồ, kênh mương, sông. Thôn Đông Mẫu có 28 ao, hồ lớn nhỏ và hệ thống kênh, mương phục vụ nước sinh hoạt, nước sản xuất cho 407 hộ dân (1.917 khẩu) hiện đang trở thành nơi chứa nước thải.

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, môi trường tại làng nghề Đông Mẫu đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Qua kiểm tra hệ thống nước tại các ao, hồ thấy, các chỉ tiêu như BOD, COD, tổng nitơ, tổng phốtpho và các vi sinh vật đều vượt quá quy định cho phép từ vài lần đến vài chục lần. Phần lớn nước ao, hồ đều có màu đen và bốc mùi khó chịu. Điều đáng nói là nguồn nước ô nhiễm này còn ngấm vào mạch nước ngầm nên hệ thống giếng khoan của thôn dù đã qua xử lý bằng máy lọc nhiều lần vẫn có mùi khó chịu.

Đề án xử lý: Chậm triển khai

Yên Đồng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí hạ tầng, phát triển kinh tế, thu nhập của người dân, xã đều đạt; nan giải nhất vẫn là vấn đề rác thải và tình trạng ô nhiễm môi trường. Hiện, xã mới thành lập đội thu gom rác tại các thôn, nhưng hiệu quả không cao.

Trước tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, chính quyền xã Yên Đồng đã lập phương án quy hoạch làng nghề và được phê duyệt với kinh phí 24 tỉ đồng, diện tích 3,7ha. Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ xử lý, thu gom rác thải vẫn còn bỏ ngỏ. Theo tính toán, kinh phí mua công nghệ xử lý nước thải, rác thải tiên tiến đạt chuẩn đã lên đến hàng chục tỉ đồng. Dù dự án quy hoạch làng nghề xã Yên Đồng đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt nhưng đến nay vẫn chậm triển khai do thiếu vốn, công tác quy hoạch còn chậm, chưa đồng bộ, việc đền bù, giải phóng mặt bằng chưa đạt tiến độ đề ra. Vì vậy, chưa biết đến khi nào cụm công nghiệp làng nghề Đông Mẫu mới hoàn thiện để đi vào sản xuất tập trung, và ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn còn là bài toán khó giải.