Phát triển khu công nghiệp sinh thái nông nghiệp tại nông thôn Việt Nam

ThienNhien.Net – “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững” là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 của Việt Nam. Sau hơn 20 năm hoạt động và khẳng định vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế quốc dân, các khu công nghiệp (KCN) Việt Nam cần đẩy mạnh việc phát triển theo hướng sinh thái nhằm phù hợp với chiến lược phát triển chung của đất nước và theo kịp xu thế phát triển chung của thế giới.

Ảnh minh họa: udkhcnbinhduong.vn
Ảnh minh họa: udkhcnbinhduong.vn

Đối với một nước nông nghiệp như Việt Nam, tiềm năng và cơ hội để phát triển các KCN sinh thái (KCNST) dựa trên nền tảng sản xuất nông nghiệp là rất lớn, nhất là tại khu vực nông thôn. Nông thôn chính là vùng sản xuất ra nguyên liệu cho các ngành công nghiệp nông thôn và là nơi hình thành, phát triển một cách tự nhiên các chu trình khai thác-sản xuất-chế biến-tiêu thụ-xử lý chất thải trên cơ sở các ngành chế biến nông sản. Dưới tác động của cơ chế thị trường, sự tích tụ ruộng đất và phân hóa lao động đã tạo đà cho việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, sản xuất hàng hoá quy mô lớn gắn với thị trường, là tiền đề quan trọng cho việc phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản – mũi nhọn cơ bản của công nghiệp nông thôn.

Hình 1. Đặc thù và tiềm năng phát triển công nghiệp tại khu vực nông thôn
Hình 1. Đặc thù và tiềm năng phát triển công nghiệp tại khu vực nông thôn

Từ lý luận và thực tiễn, trên cơ sở đặc thù, lợi thế và tiềm năng sản xuất nông nghiệp của khu vực nông thôn; kinh nghiệm phát triển các KCN tại Việt Nam; kinh nghiệm phát triển các mô hình KCNST tiên tiến trên thế giới, một mô hình chuyển tiếp theo hướng sinh thái, tạm gọi là KCNST nông nghiệp (KCNSTNN), được nghiên cứu đề xuất cho Việt Nam trong thời gian tới. Đây là “là khu vực tập trung các cơ sở sản xuất (CSSX) công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (TTCN), cơ sở dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp-TTCN và các công trình phục vụ liên quan khác; có ranh giới địa lý xác định; được đầu tư xây dựng nhằm ưu tiên phát triển các CSSX công nghiệp-TTCN nông thôn gắn liền với các hoạt động sản xuất nông nghiệp; phù hợp với xu hướng phát triển sinh thái và bền vững chung của đất nước và thế giới”. Mô hình này sẽ phát triển song hành với các mô hình KCN hiện tại, góp phần hoàn thiện hệ thống các KCN ở Việt Nam.

KCNSTNN là nơi tạo ra các nhu cầu về sản xuất quy mô lớn và các dịch vụ hỗ trợ kèm theo ngay tại nông thôn và từ các lợi thế của nông thôn. Đó chính là “động lực” phát triển kinh tế nông thôn bằng các nguồn nội lực thông qua mối quan hệ: Lợi thế – Sản xuất để tận dụng lợi thế – Phát triển – Lợi thế cao hơn – Sản xuất hiệu quả hơn và quy mô lớn hơn – Phát triển cao hơn. Đây là nơi thu hút và tạo ra các nguồn vốn đầu tư, nhờ vậy, quá trình CNH nông thôn có thể có những bước “đột phá” mà không phải trông chờ vào đầu tư từ bên ngoài. KCNSTNN cùng với trung tâm cụm xã hay trung tâm tiểu vùng tạo nên một không gian gắn kết sự phát triển riêng lẻ của các điểm dân cư nông thôn (phạm vi vài xã hay cụm xã) thành một tổ hợp đa chức năng, có lợi thế phát triển và có mối liên hệ với các không gian thứ bậc cao hơn.

Hình 2. KCNSTNN trong cơ cấu chức năng và không gian chung của khu vực nông thôn
Hình 2. KCNSTNN trong cơ cấu chức năng và không gian chung của khu vực nông thôn

a) KCNSTNN trong cơ cấu cụm xã-tiểu vùng; b) KCNSTNN trong cơ cấu huyện; c) KCNSTNN nằm cạnh trung tâm tiểu vùng; d) KCNSTNN là một bộ phần của trung tâm tiểu vùng.

KCNSTNN được phát triển trên một chu trình sản xuất đặc thù mà “hạt nhân” là một hay một vài doanh nghiệp (DN) có nhu cầu đầu vào lớn, tạo ra nhiều bán thành phẩm, phế thải hay năng lượng, nước thừa có khả năng tái sử dụng lớn. Tiếp theo là các DN “vệ tinh” cấp 1 cung cấp nguyên liệu cho các DN “hạt nhân” và các DN “vệ tinh” cấp 2 chấp nhận đầu ra của các DN “hạt nhân” để tiếp tục sản xuất, tiêu thụ hay tái chế.

Hình 3. Loại hình công nghiệp và các thành phần của chu trình sản xuất trong KCNSTNN
Hình 3. Loại hình công nghiệp và các thành phần của chu trình sản xuất trong KCNSTNN

a) Chế biến nông sản, lương thực, thực phẩm, sản phẩm sinh học; b) Chế biến gỗ, mây, tre. 

KCNSTNN có thể được phát triển mới hay tái phát triển từ các KCN cũ. Việc tái phát triển các KCN cũ sẽ tận dụng được quỹ đất và cơ sở HTKT hiện có, giảm chi phí đầu tư nhưng khó trong việc thống nhất sự phát triển giữa các DN đang hoạt động. Việc phát triển mới KCN sẽ tạo được sự thống nhất và đồng bộ của tất cả các quá trình đảm bảo được các yêu cầu và mục tiêu phát triển KCNSTNN nhưng cần quỹ đất mới và chi phí đầu tư từ ban đầu. Trong tình hình đã quy hoạch dư thừa các KCN ở nông thôn như hiện nay, các địa phương cần đánh giá kỹ mọi mặt kinh tế-xã hội-môi trường theo điều kiện, tiềm năng cụ thể của địa phương mình để lựa chọn cách thức phát triển thích hợp.

Theo kinh nghiệm phát triển bền vững trên thế giới, KCNSTNN cần có quy mô tối thiểu khoảng 25ha để đủ khả năng tạo lập một không gian phát triển đồng bộ và chất lượng giữa sản xuất công nghiệp, dịch vụ và các công trình tiện ích xã hội. Quy mô KCN cũng không thể vượt quá khả năng đáp ứng của khu vực nông thôn xung quanh nó (vùng nguyên liệu, điểm dân cư nông thôn, lao động,…), quy mô tối đa khoảng 60-70ha.

Bên cạnh các bộ phận chức năng “cứng” theo quy định trong Quy chuẩn xây dựng Việt Nam: Nhà máy, kho tàng; Các khu kỹ thuật; Công trình hành chính, dịch vụ; Giao thông và Cây xanh, KCNSTNN sẽ có thêm các bộ phận chức năng “mềm” theo đặc thù chu trình sản xuất địa phương và các yêu cầu về môi trường sinh thái, bao gồm: Khu vực kho tàng và sân bãi tập kết (nguyên liệu nông sản hay phế thải); Khu vực các nhà xưởng cho thuê; Khu vực phát triển hỗn hợp kiểu “làng nghề”; Các công trình tiện ích công cộng (y tế, văn hóa, đào tạo,…) và các khoảng mở công cộng, sinh thái tự nhiên khác. Khu vực Nhà máy (sản xuất độc lập, phát triển hỗn hợp, nhà xưởng cho thuê) và Kho tàng không nên vượt quá 60% diện tích KCN, khu vực Cây xanh cần tối thiểu 15% để đáp ứng các yêu cầu về môi trường sinh thái và hòa nhập với khu vực nông thôn xung quanh.

Hình 4. Sơ đồ cơ cấu các bộ phận chức năng KCN
Hình 4. Sơ đồ cơ cấu các bộ phận chức năng KCN

Cảnh quan là yếu tố quan trọng, là phương tiện tốt nhất để tạo dựng hình ảnh về “tính sinh thái” của KCN. Việc quy hoạch cảnh quan cần tuân theo các nguyên tắc của sinh thái học và phát triển bền vững về sự hòa nhập, sự bảo tồn, sự phân vùng, sự phù hợp, sự duy trì, tính thẩm mỹ và tính khoa học. Mỗi một thành phần có các nguyên tắc và dạng tổ chức cảnh quan khác nhau, phù hợp với chu trình sản xuất và đặc thù riêng của địa phương.

Trên cơ sở các tiềm năng thực tế của nông thôn Việt Nam, hệ thống hạ tàng kỹ thuật (HTKT) trong KCN được thiết kế theo các nguyên lý của sinh thái học và phát triển bền vững, hình thành nên Chu trình tuần hoàn nước với trạm xử lý nước thải sinh học và Chu trình thu gom, xử lý chất thải rắn. Các giải pháp này có chi phí đầu tư, hoạt động và bảo dưỡng thấp mà vẫn đảm bảo việc cung cấp kỹ thuật, xử lý môi trường cũng như đảm bảo các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, nước, nguyên vật liệu và tái sử dụng các chất thải. Hệ thống đường dây, đường ống kỹ thuật trong KCN được bố trí một cách hợp lý, khoa học, ngắn gọn nhất và đặc biệt là cần sử dụng các loại vật liệu thay thế mang tính sinh thái giá thành hạ (sử dụng phế thải ép thành khối cứng làm vật liệu tôn nền; các loại gạch lát tái chế có lỗ thẩm thấu nước mưa hay phân dải trồng cỏ cho các bề mặt lát và lối đi bộ; sử dụng mương đất, đá hay gạch xây thay bêtông; bố trí kết hợp ngầm và nổi các tuyến HTKT).

Căn cứ vào mức độ liên kết của chu trình sản xuất, có thể phân chia sự phát triển của KCNSTNN theo 3 kịch bản với cơ cấu chức năng và mức độ liên kết các chức năng khác nhau. Kịch bản 1 – mức độ cơ bản: KCN chỉ bao gồm các DN “hạt nhân” hoạt động cùng với các thành viên thuộc vùng nguyên liệu, thiếu sự liên kết giữa các DN trong KCN. Kịch bản 2 – mức độ trung bình: KCN bao gồm các DN “hạt nhân” và các DN “vệ tinh” cấp 1 hoạt động cùng với các thành viên thuộc vùng nguyên liệu, bắt đầu có sự liên kết giữa các DN trong KCN. Kịch bản 3 – mức độ hoàn chỉnh: KCN bao gồm các DN “hạt nhân”, DN “vệ tinh” cấp 1 và cấp 2 hoạt động cùng với các thành viên thuộc vùng nguyên liệu, có sự liên kết tương hỗ chặt chẽ giữa các DN trong KCN.

Mô hình KCNSTNN trên đây sẽ là mô hình đặc thù của khu vực nông thôn trong giai đoạn tiếp theo của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và là một bộ phận không thể thiếu trong tổng thể các KCN Việt Nam. Mô hình KCN này sẽ là cơ sở cho việc xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về QHXD KCN tại khu vực nông thôn, từ đó xây dựng các cơ chế đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành KCN tại nông thôn, đảm bảo sự phát triển bền vững chung của đất nước.

TS. Nguyễn Cao Lãnh – Trường Đại học Xây dựng