Dân bức xúc bởi nước thải của khu công nghiệp Tâm Thắng

ThienNhien.Net –  Thời gian gần đây, người dân sinh sống quanh khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Giút, tỉnh Đác Nông rất bức xúc trước tình trạng nước thải từ các nhà máy trong khu công nghiệp xả thẳng ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Mặc dù các cấp chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần vào cuộc, kiểm tra xử lý, nhưng đến nay mọi việc đâu vẫn vào đấy. Nước thải từ các nhà máy trong khu công nghiệp (KCN) vẫn “vô tư” xả ra ngoài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt và sức khỏe của người dân địa phương.

Một cống nước xả nước thải từ KCN Tâm Thắng xuống sông Sêrêpốc
Một cống nước xả nước thải từ KCN Tâm Thắng xuống sông Sêrêpốc

Trên đường dẫn chúng tôi đến xem những con kênh rạch dẫn nước thải từ KCN Tâm Thắng chảy ra sông Sêrêpốc nước đem ngòm, mùi hôi thối nồng nặc đến khó thở, ông Trần Thanh Quang, ở thôn 2, xã Tâm Thắng, huyện Cư Giút, một người dân sống cạnh KCN Tâm Thắng vừa đi vừa kể, gia đình ông sinh sống gần 20 năm tại khu vực này thì đã hơn tám năm nay phải sống chung với tình trạng ô nhiễm nặng từ nước thải của các nhà máy trong KCN. Chính bản thân ông cũng không thể nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần lấy mẫu nước bẩn để gửi các cơ quan chức năng yêu cầu giám định mức độ ô nhiễm nhưng đến nay tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Nhất là từ đầu năm 2013 đến nay, tình trạng ô nhiễm quanh khu vực hoạt động sản xuất của nhà máy đã và đang ở mức báo động.

Hằng ngày, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên tại các bờ ao, kênh rạch, sông suối khiến bà con không thể chịu được. Tại con mương nhỏ có chiều dài hơn một km chạy qua sát phía trước nhà ông Trần Thanh Quang, nơi dẫn nước xả thải trực tiếp từ KCN Tâm Thắng ra sông Sêrêpốc, thời điểm chúng tôi có mặt, mương cạn kiệt nước nhưng vẫn để lại nhiều dấu hiệu cho thấy việc xả thải vừa diễn ra trước đó không lâu. Nước bẩn còn đọng lại ở con mương đen ngòm, bốc mùi hôi thố nồng nặc, khó chịu.

Theo phản ánh của người dân địa phương, mỗi ngày, các nhà máy trong KCN Tâm Thắng xả thải từ hai đến ba lần, chủ yếu là vào thời điểm rạng sáng, chiều tối và lúc nửa đêm. Mỗi lần như vậy, không chỉ người dân ở xã Tâm Thắng, ngay cả người dân cả thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Giút cũng bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối nồng nặc.

Nước xả đen ngòm có mùi hôi nồng nặc, trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài khiến hàng trăm hộ dân nơm nớp lo sợ cho sự bảo đảm an toàn về sức khỏe của gia đình mình.

Chị Đoàn Thị Hồng Loan ở thôn 1, xã Tâm Thắng cho biết: “Để hạn chế nạn ô nhiễm, gia đình tôi cũng như nhiều người dân trong thôn đã chọn giải pháp dùng bọc nylon và keo dán kín các lỗ thông gió trên cửa sổ của căn nhà. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ là tạm thời trước mắt, trong khi đó lượng nước thải cũng như mức độ ô nhiễm do các nhà máy thải ra ngày càng nặng hơn. Điều khiến mọi người lo lắng nhất hiện nay là do hít phải mùi hôi nồng nặc từ nguồn nước thải nên trong thôn, trong xã, số người có dấu hiệu mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch ngày càng nhiều, nhưng không biết kêu ai.”

Các nhà máy sản xuất trong khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Giút, tỉnh Đác Nông
Các nhà máy sản xuất trong khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Giút, tỉnh Đắk Nông

Mang theo những bức xúc của người dân, chúng tôi đã tìm gặp lãnh đạo các nhà máy trong KCN và ban quản lý KCN Tâm thắng để tìm hiểu xem có hay không việc KCN xả nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Cồn Đại Việt, ông Dương Viết Hùng, Phó giám đốc Công ty khẳng định: “Trong năm 2010, công ty đã đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải với khối lượng bể chứa 26.000 m3 với hệ thống lắng, lọc, bể biogas khá đồng bộ, khép kín, toàn bộ nước thải sau khi xử lý đều được tái sử dụng…”. Tuy nhiên tại thời điểm chúng tôi đến làm việc, toàn bộ hệ thống xử lý nước thải ở đây gần như ngừng hoạt động, một số bể chứa nước thải bốc mùi hôi thối nồng nặc, nước thải có biểu hiện rò rỉ ra khu vực chung quanh.

Thượng tá Phan Phước Đức, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đác Nông cho biết: tình trạng các nhà máy trong KCN Tâm Thắng xả nước thải chưa xử lý ra môi trường diễn ra nhiều năm nay, gây bức xúc cho người dân địa phương.

Trong năm 2012, Công ty Cổ phần mía đường Đác Nông nằm trong KCN Tâm Thắng đã bị xử lý vi phạm về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Riêng đối với Công ty TNHH Cồn Đại Việt thuộc KCN từ đầu năm 2013 đến nay đã có hai đợt xả thải ra môi trường bị cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản. Cụ thể vào ngày 25/01/2013, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện công ty có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường với lượng nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ hai đến dưới năm lần trong trường hợp lượng nước thải từ 50 m3 đến dưới 500m3/ngày đêm. Tiếp đó, vào lúc 24 giờ ngày 18-3 vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương bắt quả tang công ty tiếp tục xả thải, với lượng nước thải vượt tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật cho phép từ năm đến 9,5 lần. Lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước bẩn đưa đi kiểm nghiệm và đang hoàn tất các hồ sơ thủ tục để đề nghị UBND tỉnh xử lý hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của các nhà máy trong KCN Tâm Thắng.

Qua làm với với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đác Nông cũng như quá trình theo dõi của phóng viên Báo Nhân Dân, việc các nhà máy sản xuất trong KCN Tâm Thắng xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động. Bởi từ năm 2010 đến nay, trên dòng sông Sêrêpốc nằm ngay cạnh KCN Tâm Thắng đã không dưới năm lần xảy ra tình trạng cá chết dạt trắng bờ mà nguyên nhân là do các nhà máy sản xuất trong KCN Tâm Thắng và các cơ sở sản xuất xả nước thải chưa xử lý xuống dòng sông gây ô nhiễm nặng.

Trước thực trạng đó, người dân sinh sống đôi bờ sông Sêrêpốc và xã Tâm Thắng, huyện Cư Giút đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền, ban quản lý KCN cần sớm đưa ra những biện pháp, ngăn chặn và xử lý triệt để các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường tại KCN Tâm Thắng.

Những kiến nghị của người dân cũng được các ngành chức năng của tỉnh Đác Nông và Bộ Tài nguyên và Môi trường xuống kiểm tra, ra quyết định xử phạt các nhà máy xả nước thải chưa xử lý gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu chủ các nhà máy đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định.

Tuy nhiên, việc xử phạt năm nào cũng có. Và sau khi xử phạt xong, mọi việc đâu vẫn vào đó. Hằng ngày, các nhà máy trong KCN Tâm Thắng vẫn hoạt động sản xuất bình thường và vẫn “vô tư” xả nước thải ra môi trường, chỉ có người dân sống xung quanh KCN mới lãnh hậu qủa tình trạng ô nhiễm nặng nề từ nước thải của KCN Tâm Thắng?