Nhiều tỉnh lập phương án giữ rừng thời kỳ cao điểm mùa khô

ThienNhien.Net – Do tình trạng không có mưa và khô hạn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong cả nước tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng chống cháy rừng.

Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang cùng với việc tham mưu cho UBND các huyện, thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã và các chủ rừng đã xác định những vùng có nguy cơ cháy cao để chủ động về lực lượng và phương tiện để sẵn sàng ứng phó.

Trong khi đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chính quyền các địa phương và các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tăng cường phối hợp trong công tác phòng chống cháy rừng, nhất là tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi đốt nương rẫy không đúng quy định, nắm chắc diễn biến của thời tiết, đánh giá khả năng xảy ra cháy rừng ở từng địa phương để chủ động phòng cháy.

Tại Vườn quốc gia Hoàng Liên, huyện Sa Pa (Lào Cai), các phương tiện chữa cháy đã được đưa đến tất cả các chốt bảo vệ. Ở những khu rừng có thảm thực vật quý hiếm, đa dạng, có nhiều khách du lịch đến tham quan đã được ban quản lý bảo vệ nghiêm bằng biện pháp lập biển chỉ dẫn “cấm lửa”, “cấm khai thác” làm đường băng chống cháy.

Tỉnh cũng đã xây dựng hồ sơ, bản đồ xác định có 5/9 huyện trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Hiện 9 huyện, thành phố của tỉnh đã duy trì tại mỗi xã, phường, thị trấn 1 tổ đội xung kích (từ 20 – 30 người) làm nòng cốt sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra cháy rừng.

Các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang vào giai đoạn cao điểm phòng chống cháy rừng. Năm nay, mùa khô đến sớm cộng với nắng nóng gay gắt làm hàng chục ngàn hécta rừng ở khu vực đứng trước nguy cơ cháy rất cao.

Cục Kiểm lâm cảnh báo tình trạng khô hạn tại nhiều cánh rừng ở Cà Mau, An Giang, Long An, Đồng Tháp… đang ở mức “báo động đỏ”, nếu cháy rừng xảy ra sẽ lây lan với tốc độ nhanh, để lại hậu quả lớn.

Trước tình hình đó, tỉnh An Giang đã quyết định tạm đóng cửa, ngưng các hoạt động trong rừng; tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy; tổ chức trực, tuần tra 24/24 giờ trong ngày.

Tỉnh cũng đã thống kê, sửa chữa đảm bảo hoạt động tốt 132 máy chữa cháy, trang bị đầy đủ nước cho 600 bồn chứa nước; 4.674 bình xịt, can đựng nước, dao, bàn đập…. trải đều trên các khu vực rừng; lập 73 chốt bảo vệ…

Tại Hậu Giang, cao điểm trong mùa khô từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5 cũng là thời điểm có nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng. Chính vì vậy, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai việc sử dụng bản đồ kỹ thuật số để khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ huy chống cháy rừng.

Lực lượng chuyên trách của Chi cục Kiểm lâm và các chủ rừng với trên 100 người, lực lượng quần chúng chữa cháy rừng có trên 1.200 người luôn sẵn sàng cho công tác phòng cháy và chữa cháy rừng. Hơn 20 máy chữa cháy rừng đã được trang bị, trong đó có 4 máy phao nổi chuyên dùng cho rừng có nhiều kênh rạch.

Hiện toàn bộ 30.000ha rừng tràm của tỉnh Long An đối mặt nguy cơ cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu lực lượng kiểm lâm, phối hợp cùng chính quyền địa phương và người dân chú trọng công tác phòng chống cháy rừng suốt mùa khô này.