Bảo vệ vườn quốc gia Tràm Chim trong mùa khô

ThienNhien.Net – Để chủ động phòng, chống cháy rừng tràm, khu Ramsar thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp tổ chức lực lượng túc trực 24/24 giờ.

Vườn thực hiện nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ; tuyên truyền phòng chống cháy rừng bằng hệ thống phát thanh, loa lưu động; trang thiết bị chữa cháy hiện đại, đa dạng.

Vườn quốc gia Tràm Chim hiện có 19 trạm bảo vệ và 9 đài quan sát, chòi canh, trang bị sẵn la bàn, máy định vị (GPS), các trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống cháy rừng. Vườn có diện tích 7.313ha, được chia thành 5 phân khu chức năng từ A1-A5, mỗi khu bao bọc xung quanh bởi hệ thống kênh và đê, với tổng chiều dài hơn 80km.

Sếu đầu đỏ ở Tràm Chim (Ảnh: TS. Vũ Ngọc Long)
Sếu đầu đỏ ở Tràm Chim (Ảnh: TS. Vũ Ngọc Long)

Thành phần dễ cháy trong mùa nắng chủ yếu là tràm, năng, cỏ ống, mồm mốc. Trước hiểm họa cháy, ngoài việc huy động lực lượng vào đội hình chữa cháy, Vườn còn tận dụng hệ thống kênh Đồng Tiến, Cà Dăm, Phú Đức, Lung Bông, Nông Trường, Phú Thành; các kênh nội bộ chạy cặp theo hệ thống đê bao và các lung, đìa, rọc sẵn sàng trữ nước phục vụ phòng chống cháy rừng.

Để canh lửa, các phương tiện chữa cháy đều được đưa xuống 5 khu nơi có đội bảo vệ để sẵn sàng ứng phó. Ban Chỉ huy phòng chống cháy rừng của Vườn còn tổ chức cắt băng phòng cháy, tạo đường băng trắng xung quanh rừng tràm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng, đốt cỏ.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng Vườn quốc gia Tràm Chim nói: “Trước hết, Vườn triển khai vệ sinh rừng, cắt băng, đốt cỏ chủ động, điều tiết nước, vừa duy trì đảm bảo phát triển về tính đa dạng sinh học của các loài động, thực vật trong Vườn vừa phòng, chống cháy rừng. Vườn phối hợp thường xuyên với lực lượng quân đội, công an huyện, kiểm lâm nhằm phòng chống xâm nhập Vườn quốc gia để hạn chế cháy xảy ra.”

Vườn Tràm Chim là khu Ramsar thứ tư của Việt Nam và là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Nơi đây vẫn còn lưu giữ và bảo tồn giá trị độc đáo về lịch sử, văn hóa của hệ sinh thái đất ngập nước, của một Đồng Tháp Mười thu nhỏ. Đặc biệt, tại vườn hiện có hơn 40 con sếu đầu đỏ qúy hiếm đang về ở trong mùa nắng.