Ngầm hóa tối đa ga tàu điện bên hồ Hoàn Kiếm

ThienNhien.Net – Những hạng mục, công trình phụ trợ nổi của ga tàu điện ngầm C9 bên cạnh hồ Hoàn Kiếm như tháp làm lạnh, cửa lên xuống, giếng thông gió… sẽ được đặt ở các ô đất lân cận với vị trí lùi sâu vào bên trong các khu đất của các cơ quan.

Trao đổi với phóng viên về địa điểm đặt nhà ga tàu điện ngầm nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngay sát hồ Hoàn Kiếm, đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và giới chuyên môn, ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định phương án xây dựng đã được cơ quan chức năng và đơn vị tư vấn thiết kế của Nhật Bản nghiên cứu kỹ lưỡng, sẽ không làm ảnh hưởng tới cảnh quan của khu vực.

Sơ đồ vị trí đặt ga C9 tại đường Đinh Tiên Hoàng
Sơ đồ vị trí đặt ga C9 tại đường Đinh Tiên Hoàng

Ga C9 có chiều dài khoảng 150 m, nằm sâu khoảng 15 – 20 m dưới mặt đất, trong đó, ga tàu được đặt ngầm dưới tầng sâu nhất, hai tầng trên là sảnh đợi, cửa soát vé. Nhà ga có một cửa lên xuống tại vỉa hè bên hồ Hoàn Kiếm, hai cửa lên xuống khác đặt tại Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Theo thiết kế có một số hạng mục, công trình phụ trợ nổi như: tháp làm lạnh, cửa lên xuống, giếng thông gió… sẽ được đặt ở các ô đất lân cận với vị trí lùi sâu vào bên trong các khu đất của các cơ quan.

Một số cơ quan của thành phố ở trong khu vực này cũng sẽ phải dành đất cho các hạng mục trên. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất hạng mục cửa lên xuống là đặt trong khu vực Hồ Hoàn Kiếm và lộ thiên.

Hiện các chuyên gia Nhật Bản đang tính đến trường hợp không sử dụng mái che cho cửa lên xuống ga đặt tại phố Đinh Tiên Hoàng. Khi có mưa, hệ thống bơm trong nhà ga sẽ tự động bơm thoát nước. Bên cạnh đó, các hạng mục phụ trợ nổi trên mặt đất như tháp làm lạnh, giếng thông gió sẽ được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo kiến trúc của khu vực.

Được biết, hướng tuyến đường sắt Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo dài 11,5 km (trong đó có 8,5 km đi ngầm qua phố cổ, hồ Hoàn Kiếm và phụ cận) đã được các chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu từ năm 2004. Các chuyên gia tìm ra 2 phương án sơ đồ đường đi là: ngoài khu phố cổ theo đường Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải và phương án khác là đi qua khu phố cổ và hồ Hoàn Kiếm.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, tàu điện ngầm đi qua phố cổ và hồ Hoàn Kiếm sẽ triển khai hiệu quả hơn vì người dân dễ tiếp cận, giảm phương tiện cá nhân, trong khi đó, phương án đi ven phố cổ sẽ bị ảnh hưởng địa chất vì nằm gần đê sông Hồng.

Kết quả, hướng tuyến của tuyến đường sắt đô thị đi qua đường Đinh Tiên Hoàng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt sau một quá trình nghiên cứu công phu của các chuyên gia Nhật Bản và trong nước.

Theo ông Tuấn, sự thuận lợi về điểm nút giao thông là yếu tố quan trọng để thành phố phát triển du lịch, thương mại, giải trí… Bên cạnh đó, khi có tàu điện ngầm đi qua thành phố sẽ giảm thiểu được số lượng rất lớn phương tiện cá nhân, tránh ùn tắc. Học sinh đi học, nhân viên đi làm sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với giao thông trên mặt đất hiện nay.

Khi có đường sắt đô thị, người dân ở nhiều địa điểm trong thành phố có thể đến khu vực trung tâm hồ Hoàn Kiếm một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Về khai thác du lịch, khách quốc tế có thể có thể di chuyển dễ dàng đến khu vực hồ Hoàn Kiếm, và tuyến tàu điện ngầm cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc hình thành tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và khu vực phố cổ.

Dự kiến, hướng tuyến đường sắt Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo sẽ hoàn thành vào năm 2018. Đoàn tàu sẽ có 4 toa vào giai đoạn 1 và sang giai đoạn 2 sẽ tăng lên 6 toa. Mỗi toa tàu có thể chuyên chở từ 620 – 1.400 khách với vận tốc tối đa là 120 km/giờ.