Quản lý nước thải tại các khu công nghiệp ở Đà Nẵng

ThienNhien.Net – Thành phố Đà Nẵng hiện có sáu khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 1.141,91 ha, thu hút hơn 357 dự án với tổng vốn đăng ký 11.798 tỷ đồng và 766,3 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 82%. Không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, các khu công nghiệp còn tạo việc làm cho khoảng 65.873 lao động, đồng thời tạo điều kiện trong việc xử lý các tác động môi trường một cách tập trung.

Hiện trạng

Trong những năm gần đây, các khu công nghiệp ở Đà Nẵng chủ trương hạn chế tiếp nhận các dự án đầu tư thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, ngược lại dành mối quan tâm đặc biệt cho những dự án sản xuất, kinh doanh sạch trong lĩnh vực công nghệ, cơ khí chính xác… nhằm tạo động lực vững chắc cho Đà Nẵng phát triển.

Về cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động sản xuất của nhà đầu tư(1), đặc biệt là hạng mục xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Tính đến nay, 5/6 khu công nghiệp đang hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đưa vào vận hành với tổng công suất đạt 11.250 m3/ngày đêm.

Riêng lượng nước thải (300-500m3/ngày) tại Khu công nghiệp Hòa Khánh Mở rộng được thu gom, xử lý ngay tại trạm xử lý nước thải tập trung nằm liền kề.

Tất cả các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện cũng đã hoàn chỉnh mạng lưới thu gom, đảm bảo đường ống thu gom đi qua tất cả doanh nghiệp.

Dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác quản lý nước thải khu công nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại. Trước hết là vấn đề về ý thức về trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.

Từ sau khi Thông tư 08/2009/TT-BTNMT ngày 15/7/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường được ban hành và có hiệu lực, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp buộc phải bỏ ra một nguồn kinh phí thường xuyên cho việc xử lý nước thải vốn được miễn trước đó.

Để chối bỏ trách nhiệm này, thời gian qua, không ít trường hợp doanh nghiệp đã đấu nối trái phép hệ thống nước thải vào hệ thống thoát nước mưa hoặc nhiều chủ doanh nghiệp đối phó bằng cách xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ nhưng hiệu quả xử lý không cao, chỉ vận hành hệ thống khi có cơ quan thanh, kiểm tra.

Cũng có doanh nghiệp xả nước thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép vào mạng lưới thu gom dẫn đến tình trạng quá tải của hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp.

Chẳng hạn, tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, qui định nồng độ COD trong nước thải đầu ra sau xử lý cục bộ của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hải sản không được vượt quá 1500 mg/l – mức tiếp nhận của trạm xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên có những doanh nghiệp không xử lý nước thải đạt nồng độ nêu trên, gây ô nhiễm môi trường khu vực.

Ngoài ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, việc giám sát và thu phí xử lý nước thải cũng còn những tồn tại cần tháo gỡ.

Hiện nay, việc giám sát và thu phí xử lý nước thải được thực hiện thông qua đồng hồ đo đạc (cơ học/ điện tử) hoặc thông qua hóa đơn khối lượng nước sạch của các doanh nghiệp khu công nghiệp.

Tuy nhiên, có những khoảng thời gian không thể xác định chính xác lượng nước thải tại các doanh nghiệp, ví dụ như thời gian kiểm định, bảo dưỡng đồng hồ điện tử…

Mặt khác, do đặc điểm của đồng hồ điện tử nếu mất điện sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để khởi động lại, do đó, lợi dụng thời gian này, một vài doanh nghiệp cố tình xả một lượng nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung bằng cách chủ động tắt – bật nguồn điện của đồng hồ.

Riêng với đồng hồ đo lưu lượng cơ học, chúng cũng thường xuyên bị các chất thải bám vào gây “đứng”, vì thế doanh nghiệp cũng dễ dàng lách qua “cửa” kiểm soát này.

Song song với thực trạng nêu trên, tình trạng khai thác nước ngầm chưa được kiểm soát cũng là mối lo trong công tác quản lý chất lượng nước thải khu công nghiệp.

Ngoài những doanh nghiệp đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác nước ngầm, vẫn có không ít doanh nghiệp tự ý khai thác trái phép dẫn đến việc không kiểm soát được lưu lượng nước thải đưa về các nhà máy xử lý tập trung.

Điều này không chỉ gây thất thoát nguồn tài nguyên nước ngầm mà còn làm sụt giảm nguồn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, đồng thời không phản ánh đúng thực trạng xả thải của các doanh nghiệp.

Bất cập thứ tư nằm ở khả năng xử lý nước thải của các trạm xử lý.

Trung bình, trạm xử lý nước thải tập trung có thời gian hoạt động tương đương thời gian cấp phép cho khu công nghiệp (thường là 50 năm) và phải hoạt động liên tục 24/24 giờ với độ ăn mòn thiết bị cao nên đòi hỏi tuổi thọ và chất lượng của trạm xử lý nước thải ngày càng giảm.

Hiện tất cả 5 trạm xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp của Đà Nẵng đều sử dụng công nghệ hóa sinh, mức độ tự động hóa thấp và sử dụng nhiều hóa chất; 4/5 trạm được đầu tư theo hình thức BOT.

Với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, khả năng xử lý của một vài trạm không ổn định trong thời gian qua, đặc biệt là Trạm xử lý nước thải khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.

Tuy mới được xây dựng và đưa vào vận hành năm 2011 theo hình thức BOT nhưng trạm liên tiếp xảy ra các sự cố như bục bể thu gom, nứt đáy bể vi sinh…, gây ô nhiễm mùi hôi, ô nhiễm nước ngầm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân sống xung quanh. Khu vực này hiện đang được xem là điểm “nóng” môi trường của thành phố.

Trạm xử lý nước thải KCN Thọ Quang vừa đưa vào sử dụng đã lạc hậu (Ảnh: Thanh Hải/Lao Động)
Trạm xử lý nước thải KCN Thọ Quang vừa đưa vào sử dụng đã lạc hậu (Ảnh: Thanh Hải/Lao Động)

Giải pháp

Nhằm ngăn chặn và kiểm soát nguồn ô nhiễm do nước thải từ các khu công nghiệp tại Đà Nẵng nói riêng, tại các khu công nghiệp trên cả nước nói chung, Ban quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng đề xuất một số giải pháp sau:

Giải pháp đầu tiên và cần thiết đã được đưa ra là xây mới trạm xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp với công suất 10.000 m3/ngày đêm, đảm bảo về chất lượng công trình, công nghệ xử lý, thay thế Trạm xử lý nước thải hiện đang sử dụng.

Việc xây mới cần đặc biệt chú ý tới các khâu lựa chọn vị trí xây dựng, công nghệ, và nhà thầu thiết kế – xây dựng – cung cấp thiết bị.

Trong đó, các công nghệ mới, mức độ tự động hóa đo lường và kiểm soát quá trình xử lý là những yếu tố cần được xem xét đầu tiên khi quyết định đầu tư bởi công nghệ có mức độ tự động hóa cao sẽ giảm thiểu sự cố và hóa chất vận hành, cho phép tối đa hóa hiệu quả đầu tư.

Loại công nghệ được lựa chọn cần mang tính mở, kế thừa, cho phép chủ đầu tư có thể xây dựng theo từng mô đun, song hành với phân kỳ đầu tư hạ tầng cũng như tốc độ lấp đầy diện tích, có thể tiết giảm tối đa chi phí khi mở rộng công suất.

Ngoài yếu tố về công nghệ, khi lựa chọn vị trí xây trạm xử lý nước thải, cần chú ý đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu theo qui định.

Mặt khác, khi lựa chọn nhà thầu, cần khảo sát, đánh giá kỹ số lượng, chất lượng các công trình nhà thầu đã thực hiện thay vì chỉ đánh giá thông qua các bộ hồ sơ dự thầu.

Song song với giải pháp nêu trên, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường nhằm ngăn chặn việc xả trộm nước thải vào hệ thống thoát nước mưa.

Theo quy định hiện tại, tùy theo quy mô và tính chất, các dự án đầu tư vào khu công nghiệp có thể được phê duyệt về mặt bảo vệ môi trường bởi các cơ quan thẩm quyền cấp trung ương, cấp tỉnh hay cấp huyện.

Trên thực tế, có nhiều cơ quan khác nhau có thẩm quyền, có chức năng kiểm tra về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, điều này dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo trong quản lý hoặc gây phiền hà cho phía doanh nghiệp.

Vì vậy, công tác thanh tra kiểm tra cần phải có kế hoạch, tránh chồng chéo, bằng cách cơ quan chủ thể chịu trách nhiệm chính công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp phải lên kế hoạch kiểm tra và phối kết hợp với các cơ quan liên quan.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của các công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp trong việc nắm tình hình, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường, chủ động tổ chức một bộ phận lấy mẫu nước thải theo định kỳ hoặc đột xuất nhằm kiểm soát nồng độ ô nhiễm đầu ra của doanh nghiệp, đồng thời giúp giảm tải cho trạm xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp.

Đặc biệt, cần xây dựng một mạng lưới quan trắc môi trường nước thải khu công nghiệp sau xử lý hiệu quả để từ đó các cơ quan chức năng thống nhất tổ chức thực hiện ứng dụng các công cụ tin học trong công tác quản lý môi trường tại các cơ quan quản lý nhà nước, khai thác và chia sẻ sử dụng kết quả quan trắc, kịp thời phát hiện các trường hợp xả thải không đạt tiêu chuẩn khi chủ đầu tư trạm xử lý nước thải có ý muốn “tăng nguồn thu, giảm chi phí xử lý”.

Với những bất cập trong việc tính toán khối lượng nước thải được xả ra bởi các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, có thể áp dụng trực tiếp cách tính được quy định tại Nghị định 88/2007/NĐ-CP để hạn chế phần nào.

Cụ thể, theo cách tính này, khối lượng nước thải được xác định thông qua khối lượng nước sạch tiêu thụ trên hóa đơn. Tuy nhiên, để việc tính toán, đo đạc đạt hiệu quả, phản ánh đúng thực trạng xả thải của các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát lượng nước ngầm được khai thác bởi các doanh nghiệp và nghiêm cấm hoàn toàn việc tự ý khai thác nước ngầm trong khu công nghiệp.

Trong thực tế, nước thải từ các doanh nghiệp khác nhau thì có lưu lượng và mức độ ô nhiễm khác. Do đó, đơn giá xử lý không nên chỉ đưa ra một hoặc hai mức giới hạn mà phải được tính một cách cụ thể, rõ ràng, “ô nhiễm cao trả nhiều, ô nhiễm thấp trả ít” theo các thông số chủ yếu như COD, BOD, độ màu…

Như vậy sẽ đảm bảo tính công bằng trong đơn giá xử lý và nhận được sự đồng thuận từ các doanh nghiệp.

Trần Thị Cẩm Hà, Phòng Quy hoạch & Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng


(1) Báo cáo tổng hợp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội – an ninh quốc phòng năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013 của Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng.