Công bố quy hoạch sử dụng đất đến 2020 của tỉnh Thái Nguyên

ThienNhien.Net – Theo Nghị quyết quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) tỉnh Thái Nguyên vừa được Chính phủ ban hành, đến năm 2020 diện tích đất nông nghiệp của tỉnh là 279.269 ha, chiếm 79,07% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Theo quy hoạch, đến 2020, đất rừng sản xuất  của tỉnh Thái Nguyên là 99.573 ha, chiếm 35,65% diện tích đất nông nghiệp (Ảnh minh họa: datthainguyen.com)
Theo quy hoạch, đến 2020, đất rừng sản xuất của tỉnh Thái Nguyên là 99.573 ha, chiếm 35,65% diện tích đất nông nghiệp (Ảnh minh họa: datthainguyen.com)

Theo quy hoạch, đến năm 2020, tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Thái Nguyên là 353.172 ha, trong đó 41.000 ha là đất trồng lúa, chiếm 14,68% diện tích đất nông nghiệp; diện tích đất trồng cây lâu năm là 39.197 ha chiếm 14,04%, đất rừng sản xuất là 99.573 ha, chiếm 35,65%.

Đối với đất phi nông nghiệp, theo quy hoạch đến năm 2020 có 63.799 ha, chiếm 18,06% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong đất phi nông nghiệp là đất phát triển hạ tầng với 26,9%, tương đương 17.161 ha; đất cho hoạt động khoáng sản 3.781 ha chiếm 5,93%.

Giai đoạn từ năm 2011 – 2020, chuyển mục đích sử dụng 19.873 ha đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp.

Chính phủ yêu cầu UBND Thái Nguyên rà soát quy hoạch của các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất cho thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đã được Chính phủ xét duyệt; tập trung chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để cụ thể hoá quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Tỉnh sau khi được xét duyệt.

Bên cạnh đó, xác định và công bố công khai diện tích, mốc giới đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, khuyến khích tập trung đất đai để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; ưu tiên giao đất, giao và khoán rừng phòng hộ cho cộng đồng dân cư, hợp tác xã, hộ gia đình để quản lý bảo vệ và hưởng lợi lâu dài; xây dựng cơ chế khuyến khích ưu đãi người trồng rừng nhằm tăng mật độ che phủ, hạn chế xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất.

Đồng thời chủ động thu hồi đất theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, trong đó cần phải thu hồi cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để tạo nguồn vốn cho phát triển, tạo quỹ đất đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Đồng thời, ưu tiên cho người bị thu hồi đất được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch nhất là khu vực chuyển mục đích sử dụng; ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích.